Là người đến sau, biết mối tình của vợ và người yêu cũ là mối tình rất đẹp. Lúc lâm chung, bà vẫn nhớ tới mối tình đầu của mình khiến người chồng cảm động đã viết tâm thư tìm lại người yêu cũ cho vợ.
Cái tình cái nghĩa ở đời
Đó là câu chuyện tình của ông Trương Đình Đăng (85 tuổi, trú tại số 30 Nguyễn Văn Thoại, P. Mỹ An – Q. Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng). Có người còn hỏi thẳng ông rằng vì sao ông không ghen với mối tình đầu của vợ? Ông không trả lời câu hỏi đó, bởi với ông thì sự tin tưởng, tôn trọng nhau chính là sợi dây kết nối bền vững gia đình hạnh phúc.
Đã 55 năm vợ chồng ông chung sống trong tình yêu thương, hạnh phúc, thuận hòa và đã có 6 mặt con với nhau. Các con ông đều đã trưởng thành, ông đã có 7 cháu nội, ngoại và 3 chắt, cửa nhà yên ấm. Tuy nhiên vợ ông lại không may măn khi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 phải chạy chữa suốt 15 năm, lại còn bị mổ K trực tràng, phải khoét bỏ hậu môn, làm hậu môn nhân tạo rất trở ngại cho việc đi lại, sinh hoạt. Suốt ngần ấy năm, cha con ông hết lòng yêu thương chăm sóc. Cũng may trời cho ông còn có sức khỏe nên 15 năm qua đều đặn 2 ngày mỗi tháng ông còn đưa bà đến bệnh viện bằng xe máy để khám và nhận thuốc. Đó là chưa kể những trường hợp đột xuất khác.
Ông Đăng luôn nhớ tới người vợ quá cố và tình yêu tuyệt vời của cuộc đời mình.
Từ đầu tháng 2/2009, đột nhiên bà có triệu chứng tai biến xuất hiện, với nhiều lần đầu đau, tim khó thở, chân tay khó cử động. Bác sỹ thông báo hội chẩn xác định bà đã bị ung thư, di căn lên phổi và não. Hơn 10 ngày nằm ở bệnh viện theo dõi, cuối cùng bệnh viện trả về trong tình trạng bán thân bất toại. Hơn bốn tháng trời thuốc tây, thuốc nam, châm cứu nhưng bệnh tình không những không thuyên giảm mà cơ thể ngày càng teo gầy, trí óc không còn minh mẫn, không xác định được thời gian, không gian, vệ sinh tiểu tiện không chủ động được. Một điều rất lạ là những ngày ấy bà thường nhắc đến người đàn ông đầu tiên bà đem lòng yêu thương trước đây.
Vào năm 1954, người yêu đầu tiên của bà tên Cơ cùng tập kết ra Bắc, công tác tại tỉnh Nghệ An. Ông Cơ là học sinh miền Nam cùng quê Thừa Thiên. Bà và ông Cơ gặp nhau, đem lòng yêu thương. Vì lý do nào đó ông cơ không liên lạc được. Hai năm sau, khoảng năm 1956 thì ông Cơ trở lại xin nối lại mối tình cũ nhưng người anh cả của bà không đồng ý. Thế rồi lúc ấy ông Đăng là người đến sau nhưng đã được chấp nhận.
Năm 1961, khi hai ông bà đã có con đầu lòng, nhân một chuyến đi nghỉ phép ra Hà Nội, bà có nói với chồng rằng sẽ ghé thăm anh Cơ ở Thanh Hóa. “Tôi không hề ngăn cản, bởi nghĩ cho cùng mình đã là vợ chồng lại có con với nhau, việc thăm viếng tình cũ là chuyện thường tình. Nếu thật lòng với nhau thì dù có cấm ngăn gặp mặt, trong lòng vẫn còn có chỗ để họ gần nhau. Từ ấy suốt gần 50 năm chúng tôi vẫn đầm ấm hạnh phúc gia đình, con cháu, chắt sum vầy. Không hề có tiếng to cãi vã nhau chứ đừng nói đến xúc phạm thô lỗ”, ông Đăng chia sẻ.
Thế rồi thời gian sau này, bất ngờ trong cơn bạo bệnh, vợ ông lại nhớ đến người yêu đầu tiên. “Chao ôi! Tội nghiệp cho bà nhà tôi ngần ấy năm trời, trong lúc bệnh tình đã làm trí não bà không còn minh mẫn, tất cả mọi điều hầu như quên hết, thế mà riêng người yêu đầu tiên của bà thì vẫn còn in sâu vào tâm trí không hề phai nhạt! Tôi thương bà lắm, tôi không hề buồn và trách cứ bởi bà đã dành cho tôi cả cuộc đời từ tuổi thanh xuân đến giây phút cuối cùng của tuổi 75. Tôi trân trọng mối tình đầu của bà bởi đó là một tình yêu đích thực!”, ông đăng xúc động kể lại.
Khi bà phát bệnh nặng, 3 tháng liền nằm liệt một chỗ trên giường trước lúc đi xa. Với ông thì đó là thời gian ông được trả nghĩa cho bà. Mỗi lần bế vợ lên xe lăn đi dạo trong nhà, ông lại hát tặng vợ những bài hát mà lúc đầu mới gặp ông đã hát. Bà rất thích nhạc Trịnh, ai đến chơi bà cũng bắt ông hát cho họ nghe. Mỗi khi bà mệt, bà dò hỏi: “Ông có thương tui thì đấm bóp cho tui với”, ông lại chăm sóc, đấm bóp nhẹ nhàng.
Lúc viết bức thư tìm người yêu cũ cho vợ, ông cũng nuôi hy vọng rất nhiều, lúc đó ông không còn ghen hay giận hờn gì mà trong lòng cứ nôn nao và hy vọng một điều gì đó cho vợ của mình. Nhưng khi viết bức thư xong gởi đi được 15 ngày thì bà qua đời. “Tôi muốn làm một điều gì đó để bà thoả mãn trước lúc đi xa mà tiếc là bà không được thấy người xưa. Giờ tôi chỉ mong, nếu ông Cơ còn sống, được gặp ông ấy, tôi sẽ nói cho anh ấy hiểu rằng trong lúc lâm chung, trí não rối loạn nhưng vợ tôi vẫn nhớ đến ông ấy. Tôi mong ông ấy hiểu và thắp cho vợ tôi một nén hương. Bà ấy ra đi, còn tôi luôn canh cánh trong lòng một nỗi niềm chưa giúp cho vợ được toại nguyện trước khi nhắm mắt xuôi tay. Những người xung quanh biết chuyện, ai cũng bảo tôi không bình thường vì làm cái chuyện ngược đời. Sau khi bức thư được lan truyền trên mạng thì có một người ở Thanh Hóa cũng hứa sẽ tìm cho tôi nhưng khi tìm ra thì ông Cơ cũng đã qua đời hơn 10 năm nay rồi”, ông Đăng thổn thức.
Nhắc tới người vợ, ông Đăng lại rơi nước mắt vì nhớ thương.
Làm thơ tạo niềm vui cho đời, hẹn một ngày về với vợ
Cuộc sống vợ chồng là vậy, phải lo rất nhiều chuyện, chung sống với nhau cả đời không phải là một chuyện đơn giản. Nhưng chung sống gần 55 năm, có với nhau 6 người con 4 gái 2 trai, mỗi lần sinh nở một mình ông phục vụ bà đến nơi đến chốn. Giặt giũ, cơm nước, chăm con trẻ… ông không nề hà. Cuộc sống vợ chồng, cũng có lúc sóng gió, giận hờn, nhưng bà là người ngay thẳng, nói chuyện không bóng gió gì. Có khi, không bằng lòng về chuyện lặt vặt, hai vợ chồng nằm xoay lưng lại, nhưng khi con ngủ ngoan, chính bà lại là người mở lời trước, và thế là hai vợ chồng lại nói chuyện để tìm cách giải quyết. Ông quan niệm, giận nhau một phút là mất đi một phút hạnh phúc. Thế nên, phải sống hoà thuận. Muốn vậy, phải tìm được điều tốt nhất của nhau để tiếp tục sống, tiếp tục yêu nhau. Vợ chồng ông chưa bao giờ mâu thuẫn hay chửi bởi, đánh đập nhau một lần nào. Ông rất thương vợ bởi với ông đó là một người phụ nữ quá tuyệt vời.
Giờ đây ở cái tuổi gần đất xa trời này, ông vẫn phải chống chọi biết bao nhiêu bệnh tật của tuổi già nhưng trong tim ông vẫn luôn nhớ tới người vợ đã mất cách đây 10 năm. “Được chăm sóc bao nhiêu năm nay rồi, khi vợ tôi đi xa không còn trên cõi đời này nữa, với tôi, đó là sự chông chếnh rất lớn. Tôi không dám vào bếp vì cứ đứng ở bếp là tôi lại nhớ tới vợ. Mấy hôm đầu tôi toàn nhịn ăn, cô bé hàng xóm đưa bát cơm sang mời tôi ăn, tôi nhìn bát cơm mà không nuốt được, tủi thân vô cùng vì cứ nghĩ là không có vợ, mình phải ăn như thế này đây!”, ông đăng bộc bạch. Không yên tâm cho ông nên người con trai thứ 5 đưa ông về sống chung để tiện bề chăm sóc. Mấy đứa con của ông lo được cho bà một phần mộ đẹp ở Hội An và chuẩn bị thêm cho ông một vị trí cạnh đó, để mai sau ông và vợ lại được cạnh nhau. Mỗi lần ra nghĩa trang thắp hương cho vợ, ông lại thì thầm: “Bà yên tâm, tôi có một chỗ bên cạnh bà rồi, tôi sẽ lại về bên cạnh bà mà thôi”.
Ông đăng bên mộ người vợ quá cố của mình.
Anh Trương Triệu Thái – con trai cụ Đăng chia sẻ: “Anh em tôi thường bảo nhau, cố gắng sống được bằng nửa ba mẹ thôi là cũng đã tốt lắm rồi. Chúng tôi phục ông bà lắm, hễ người này hơi lớn tiếng là người kia đã tìm cách giảng hoà. Khi bà bị bệnh, biết là không qua khỏi, ông vừa phải giấu bà vừa phải tìm chuyện phiếm kể để bà bớt suy nghĩ, dằn vặt. Người ngoài cũng cảm động trước cách ông chăm bà cũng như chuyện tình yêu giữa hai người”. Một người bạn tri kỷ của cụ Đăng tâm sự: “Cũng từng là người chết đi sống lại vì tình, từng đau khổ nhiều, tôi không khỏi xúc động với mối tình già giữa hai bác. Chẳng ở đâu xa, ngay trước mắt mình cũng có những mối tình thăng hoa không thể diễn tả bằng lời, mong ông bạn già mãi yêu đời và sáng tác những vầng thơ hay, tôi luôn cầu chúc cho ông bạn già và gia đình hạnh phúc”.
Theo Phununews