Đất nước tỷ dân là một trong những thị trường 'béo bở' nhất đối với Hollywood, nên các nhà làm phim tìm mọi cách dụ dỗ khán giả nước này đến rạp.
1. Mời diễn viên Trung Quốc đóng vai phụ
Đây là cách "dễ" nhất cho một bộ phim Âu Mỹ tiếp cận khán giả Trung Quốc. Những ngôi sao đình đám của showbiz Hoa ngữ thường được mời vào các vai phụ xuất hiện chớp nhoáng hoặc có vai trò mờ nhạt. Có thể kể đến hàng loạt trường hợp như Cảnh Điềm trong Kong: Skull Island, Angelababy trong Ngày độc lập 2, Ngô Diệc Phàm trong xXx: The Return of Xander Cage, Phạm Băng Băng trong X-men: Day of Future Past,…
Cảnh Điềm trong Kong: Skull Island
Khán giả Trung Quốc đã quá quen với việc các ngôi sao trong nước chỉ được làm cameo "vô thưởng vô phạt" hoặc diễn xuất nhạt nhòa trên màn ảnh Hollywood. Tuy vậy sự xuất hiện ít ỏi của các tên tuổi này vẫn đủ khiến công chúng thỏa mãn, bằng chứng là nhiều bom tấn đã được "cứu" khỏi sự thua lỗ chỉ vì có diễn viên Trung Quốc.
Ngô Diệc Phàm trong xXx: The Return of Xander Cage.
Angelababy trong Ngày độc lập 2
2. Lấy bối cảnh tại Trung Quốc
Nếu đã mời diễn viên Trung Quốc thì không có lý do gì mà các nhà làm phim không "mượn" luôn bối cảnh. Và cũng như Kong: Skull Island ở Việt Nam, các bộ phim quay tại Trung Quốc luôn được người dân đón nhận nhiệt tình và quảng bá rầm rộ, nhờ đó mà doanh thu tăng hơn dự kiến.
Cảnh Thượng Hải trong Looper.
Phim hành động giả tưởng Looper chuyển bối cảnh từ Paris sang Thượng Hải, nhân vật nam chính còn có mối tình khắc cốt ghi tâm với người vợ Trung Quốc. Không ngạc nhiên khi doanh thu tại đất nước tỷ dân của Looper chiếm 25% doanh thu toàn cầu.
Tom Cruise quay phim tại Tây Đường.
Mission Impossible 3 của Tom Cruise chọn Thượng Hải và Tây Đường làm bối cảnh chính. Poster phim sau đó được quảng bá khắp nơi tại Tây Đường nhằm phục vụ du lịch.
3. Chiếu sớm tại Trung Quốc
Warcraft.
Trung Quốc vốn là quốc gia nổi tiếng với các vòng kiểm duyệt nghiêm ngặt, chủ yếu ưu tiên cho phim nội địa. Việc đề cao văn hóa Trung Hoa cùng sự góp mặt của sao Hoa ngữ khiến các bom tấn Hollywood dễ dàng "qua cửa kiểm duyệt" hơn. Đổi lại, nhà sản xuất phương Tây cũng cho chiếu sớm bộ phim tại các cụm rạp lớn của Trung Quốc. Warcraft là một ví dụ, bộ phim có sự tham gia của Ngô Ngạn Tổ trong vai phản diện Gul'dan. Tuy bị xem là bom xịt ở Bắc Mỹ, Warcraft vẫn thu về 8,4 triệu USD ngay trong đêm mở màn ở Trung Quốc.
4. Tôn vinh các yếu tố Trung Quốc
"Chiêu thức" này đặc biệt hay được sử dụng trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, khi một sự kiện nghiêm trọng xảy ra cần có sự chung tay của nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu như trước đây, Mỹ là nạn nhân và cũng là anh hùng của mọi sự kiện diễn ra với quy mô toàn cầu trên phim thì nay vai trò ấy đã được chia cho nhiều quốc gia khác mà Trung Quốc là lựa chọn quen thuộc.
Arrival.
Trong Arrival, văn hóa Trung Quốc được tôn vinh khi tướng quân người Trung dùng mạt chược để giải mã ngôn ngữ người ngoài hành tinh. Quyết định hòa hay chiến của phía Trung Quốc cũng là chìa khóa quan trọng để giải quyết mọi cao trào của bộ phim.
The Martian.
Trong The Martian, cơ quan nghiên cứu vũ trụ của Trung Quốc đã có đóng góp mang tính quyết định trong công cuộc giải cứu nam chính. Trong Gravity, trạm vũ trụ Trung Quốc được xây dựng như biểu tượng hy vọng.
2012.
Bom tấn về thảm họa đại hồng thủy 2012 cũng chứa đựng nhiều yếu tố Trung Hoa như hình ảnh những ngôi chùa trên núi, các vị thiền sư, 4 con tàu cứu cả nhân loại cũng do người Trung Quốc sản xuất.
Alice ở Xứ sở trong gương.
Alice ở Xứ sở trong gương dù thua lỗ thảm hại trên toàn cầu vẫn kiếm được không ít từ thị trường Trung Quốc nhờ cốt truyện "lấy lòng" khán giả tại đây. Alice được đưa đến Trung Hoa cổ đại để buôn bán, cô nàng còn mặc một bộ váy lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống Trung Quốc.
5. Hợp tác sản xuất
Kung Fu Panda 3.
Việc để một hãng phim Trung Quốc tham gia vào công tác sản xuất giúp bộ phim qua cửa kiểm duyệt dễ dàng và đảm bảo tới 50% doanh thu. Các hãng phim lớn như Legendary Pictures, Paramount, Dreamworks, 21st Century Fox , Disney đều có xưởng sản xuất riêng đặt tại Trung Quốc. Kung Fu Panda 3 do chi nhánh Trung Quốc của DreamWorks là Dream Works Phương Đông chịu trách nhiệm. Các hãng sản xuất nội địa như China Films, Le Vision Picture, Huayi Brothers góp mặt không ít trong các bom tấn Hollywood.
Theo VNE