Đàn bà cũng chẳng thể giỏi, bởi đàn bà giỏi đến đâu thì số phận cũng sắp phải nem nép sau lưng đàn ông. Ngay cả trong những “việc đàn bà” như may vá, thiết kế quần áo, vẽ vời, trang điểm, nấu ăn, cắt tóc…
Lúc nhỏ, cha mẹ luôn dặn con gái không được đi chơi khuya, là con gái phải tề gia nội trợ, việc nhà là việc của đàn bà, việc ngoài đường là của đàn ông. Ngày xưa ông bà đã dặn con gái muốn là thục nữ phải “Khuê môn bất xuất”. Số phận đàn bà từ xa xưa khi sinh ra đã gắn liền với cái ngưỡng cửa nhà, tuy nhỏ bé nhưng để bước ra được phải trải qua không ít gian truân.
Lớn lên, đời đàn bà lại bị ràng buộc với ngưỡng tài năng. Muốn làm gì cũng khó, muốn thể hiện mình cũng chẳng đơn giản. Học hành, người ta thường bảo con gái học cao làm chi, đời con gái muốn lấy chồng sinh con thì không được học cao, học cao quá đàn ông họ sợ, không dám đến gần. Đàn ông luôn muốn mình giỏi giang, thông minh hơn phụ nữ, vì vậy đàn ông sợ đàn bà thông minh. Đàn bà giỏi giang, thông minh quá thường không tin vào đàn ông, họ thích tin bản thân hơn, vì vậy thường không được lòng đàn ông.
Đàn bà cũng chẳng thể giỏi, bởi đàn bà giỏi đến đâu thì số phận cũng sắp phải nem nép sau lưng đàn ông. Ngay cả trong những “việc đàn bà” như may vá, thiết kế quần áo, vẽ vời, trang điểm, nấu ăn, cắt tóc…thì nhưng người giỏi nhất, hay chí ít được vinh danh nhiều nhất phần lớn vẫn là đàn ông.
Đàn bà cũng không nên đẹp quá, “hồng nhan bạc phận”. Đàn bà đẹp quá người đời mỉa mai gắn cho cái mác chỉ có nhan sắc mà không có não hay “chân dài não ngắn”. Thậm chí người đàn bà thành công mà có chút nhan sắc người đời lại nói đi lên bằng sắc đẹp chứ không phải bằng năng lực. Đừng nghĩ rằng đàn bà đẹp, giỏi giang đã sướng, mấy ai biết họ thường một mình lẻ bóng, bị người đời dị nghị sau lưng, khổ tâm còn khổ gấp trăm lần khổ thân khổ xác.
Đàn bà muốn sống cuộc đời êm đẹp, thì phải biết chịu đựng, sự chịu đựng của đàn bà, cũng nằm trong cái ngưỡng. Có những người đàn bà có gia đình, nhưng chồng thì suốt ngày say xỉn, về đánh đập vợ con. Đau, buồn nhưng vẫn ở, vẫn chịu đựng “vì con”. Nhưng cũng ông chồng đó, một ngày nọ về không có mùi rượu mà là mùi nước hoa, tra hỏi đủ kiểu cuối cùng thừa nhận rằng có bồ nhí. Đàn bà nhất quyết ly thân, thế là gia đình tan vỡ, hạnh phúc nhạt nhòa. “Với đàn bà, bất cứ điều gì cũng có thể chấp nhận nhưng trái tim thay đổi thì nhất quyết không thể.” Ngưỡng của đàn bà cũng đến đó là cùng.
Đàn bà ngay từ khi sinh ra đã phải chịu thua thiệt đủ đường. Đàn ông nhiều nước có thể vợ lớn, vợ bé. Đàn bà thì không thể có chồng lớn, chồng bé. Đàn ông bóc bánh trả tiền người đời nói do vợ không biết chiều chồng, đàn bà ra ngoài ăn vụng thì bị gán cho cái mác lăng loàn. Đàn ông có thể chè chén say xỉn bét nhè, về nhà bày hết ra cho vợ dọn, rồi sáng hôm sau biện minh cho nào là công việc, tiếp đãi đối tác, làm ăn…Đàn bà nào mà cứ thử “quan hệ” rộng rãi kiểu đó xem, chỉ cần ngày một ngày hai là chết chìm trong biển nước bọt của thiên hạ.
Đàn bà con gái có cái khổ của mỗi tháng. Bà kể ngày xưa làm gì có điều kiện như bây giờ, mỗi khi tới tháng là ám ảnh. Các bà các mẹ phải mặc quần đen, bên trong lót vải màn chằng chịt. Không những thế, những ngày ấy đàn bà được coi là bẩn thỉu, ô uế, đàn bà tới tháng không được đi ngang bàn thờ tổ tiên, không được đi ra ngoài ngõ, làm gì cũng phải cúi cúi chui chui như phạm tội. Nhưng cái tôi đó là do tạo hóa đưa vào chứ đàn bà làm gì có lỗi.
Xã hội hiện đại, đàn bà thi nhau đứng lên, thao thao bất tuyệt đòi quyền lợi phụ nữ, bình đẳng giới. Nhưng nào đâu có thấy sự bình đẳng. Cái chuẩn của đàn bà là lấy chồng rồi sinh con, duy trì nòi giống, sản sinh ra thế hệ tiếp theo. Cái định nghĩa “thục nữ” đã ăn sâu vào tư tưởng của biết bao thế hệ, dễ gì phai nhạt. Bây giờ đàn bà làm mẹ đơn thân, có mấy ai thấu hiểu, đồng cảm, hay họ lại cho là giống loài dị biệt?
Đời sinh ra là đàn bà đã chẳng thay đổi được gì, thế nên những lúc rảnh rỗi, nên ngẫm lại xem cái “ngưỡng” của mình ở đâu. Để còn biết sướng biết khổ, biết nắm biết buông. Đời đàn bà lắm gian truân, đôi vai gầy gồng gánh miệng lưỡi thế gian đã mệt lắm rồi, tay còn cố nắm thì kiệt sức mất. Tay đàn bà vốn mềm, cố nắm những thứ không thuộc về mình làm gì để đau, rồi đến khi kiệt sức, buông bỏ thì đã xước cả bàn tay.
Đời đàn bà, sướng khổ chung quy cũng nằm ở ngưỡng đời…
Theo Phununews