Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Một cán bộ phục vụ 10 học viên cai nghiện, lương chỉ hơn 2 triệu

 Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc tuyển cán bộ vào làm việc ở trung tâm cai nghiện rất khó khăn, lương của cán bộ hơn 2 triệu đồng/tháng, trong khi bao nhiêu nguy hiểm rình rập.

Sáng 18.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn.

 Một cán bộ phục vụ 10 học viên cai nghiện, lương chỉ hơn 2 triệu

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Ông Thành đặt vấn đề, thời gian qua có nhiều vụ học viên ở trung tâm cai nghiện trốn trại tập thể gây dư luận xấu trong xã hội. "Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về pháp lý, giải pháp đề ra giải quyết vấn đề này?" – đại biểu Thành nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước có 210.751 người nghiện ma túy, đây là số hồ sơ quản lý, tăng hơn 10.617 người so với năm 2015. "Hiện nay ngoài heroin, còn xuất hiện nhiều loại ma túy khác, tính chất phức tạp, nhiều nước trên thế giới đang loay hoay giải quyết vấn đề này. Tổng kết của ngành công an có đến 60% các vụ án, người phạm tội liên quan đến ma túy, hầu hết rơi vào lớp trẻ" – Bộ trưởng Dung cho biết.

Nói về nguyên nhân các cơ sở cai nghiện ma túy tập trung, vừa qua xảy ra một số vụ trốn cơ sở, đập phá cơ sở, diễn ra ở một số nơi như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bộ trưởng Dung cho biết: "Lý do đưa các em vào cơ sở cai nghiện tập trung thực chất là điều chúng ta không mong muốn nhưng không thể không làm, vì những em này đã qua cai quá trình cai nghiện ở cộng đồng, cai nghiện ở gia đình, hỏi ra thì gia đình họ tự nguyện, chứ các em chưa hoàn toàn tự nguyện".

"Việc thực hiện của chúng ta có nơi không đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. Có hiện tượng nhiều địa phương vì muốn trong sạch địa bàn đã tìm cách đưa tất cả người sử dụng ma túy vào cơ sở cai nghiện, đáng lẽ phải phân biệt người sử dụng ma túy khác, người lạm dụng ma túy khác, người nghiện khác" – Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nói.

Vẫn theo Bộ trưởng Dung, từ bất cập trên dẫn đến tình trạng quá tải ở các cơ sở cai nghiện tập trung. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH lấy ví dụ như trung tâm cai nghiện ở Đồng Nai chỉ đáp ứng cho 500 – 600 học viên cai nghiện nhưng đã có 1.447 người được đưa vào. Chính vì điều kiện ăn ở không đảm bảo tạo sự bức bối cho các học viên.

"Đáng lẽ phải phân biệt người ở giai đoạn ban đầu vào và người ở giai đoạn cai nghiện bắt buộc, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất nên người mới vào để xác định xem có nghiện và phải cai tập trung không lại ở chung với người đang trong diện cai nghiện bắt buộc dẫn tới sự lôi kéo, kích động nhau…", Bộ trưởng Dung cho hay.

 Một cán bộ phục vụ 10 học viên cai nghiện, lương chỉ hơn 2 triệu

Nhiều vụ học viên cai nghiện phá trại bỏ trốn tập thể gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự (ảnh minh họa).

Theo Bộ trưởng Dung, hầu như những cơ sở cai nghiện xảy ra việc phá phách, trốn trại kể trên, tối thiểu có 35-45% học viên là người từng có tiền án, tiền sự, số này tâm lý thường hay quá khích, thậm chí xúi giục phá phách để ra ngoài.

"Trong khi đó, quy định của chúng ta đối với học viên phá trại ra ngoài thì chế tài chưa có gì ngoài việc quy định nếu như học viên phá trại ra cơ sở có trách nhiệm tìm, vận động các em trở lại. Sau vụ việc học viện cai nghiện trốn trại ở Đồng Nai đến Vũng Tàu, chúng tôi tìm hiểu được các học viện trả lời rằng có ra có bắt lại thì ở trại tiếp thôi có sợ gì đâu", Bộ trưởng Dung nói.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, còn nguyên nhân cơ bản là đội ngũ cán bộ ở các cơ sở cai nghiện ma túy rất mỏng. "Hiện nay bình quân 1 cán bộ ở trung tâm cai nghiện phục vụ tối thiểu 10 học viên. Trong khi một gia đình phục vụ một người nghiện đã khó khăn", Bộ trưởng Dung cho biết.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết thêm, ở Đồng Nai, Tỉnh ủy, UBND cho tăng cường thêm cho trung tâm cai nghiện 30 biên chế để phục vụ, tuy nhiên việc đăng tuyển không được. "Lương cán bộ chỉ có hơn 2 triệu đồng/tháng, trong khi bao nhiêu nguy hiểm rình rập. Ở cơ sở cai nghiện thường xuyên đối diện với đối tượng phức tạp nhưng cán bộ làm việc ở đó không được trang bị một công cụ hỗ trợ để đảm bảo an ninh cho chính mình", ông Dung nhận định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, hiện có khoảng 60 nghìn người nghiện đang được cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện ma túy. Số cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án là 17.488 học viên, tăng 12.641 người so với năm 2015, trong đó có 10.422 học viên không có nơi cư trú chiếm hơn 59%. Ngoài ra có các cơ sở cai nghiện tự nguyện, cơ sở cai nghiện cộng đồng.

Theo Danviet

Related Posts:

  • Thủ tướng tặng quà Tết tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Nam Đây là hoạt động đầy ý nghĩa của lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi Tết đến Xuân về, để mỗi người Việt Nam dù ở đâu hay có hoàn cảnh như thế nào đều được chăm lo và có Tết. Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Nam hiện đang chăm s… Read More
  • Ba thay đổi lớn trong chống dịchXét nghiệm gộp mẫu nhiều hơn, có phương án cách ly đối với trẻ em và giải tỏa hàng hóa từ khu vực có dịch là 3 điểm mới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 được GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh. Trẻ… Read More
  • Dừng tổ chức một loạt lễ hội lớn ở Hà Nội UBND quận Đống Đa vừa có Thông báo về việc dừng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 232 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2021). Trước đó, ngày 8/1/2021, UBND quận Đống Đa đã ban hành Kế hoạch số 04 về tổ chức Lễ hội kỷ niệm 2… Read More
  • Hà Nội thu gần 26 nghìn tỷ đồng tiền sử dụng đất năm 2020Thông tin tại hội nghị tổng kết năm của ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định cho biết, năm 2020, toàn ngành đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, t… Read More
  • Thực phẩm từ Trung Quốc ồ ạt về Việt Nam Vụ việc mới nhất là Cục QLTT Lạng Sơn đã phối hợp với Đội 389 tỉnh phát hiện khoảng 1,15 tấn hồng quả sấy dẻo nhập lậu với tổng trị giá hàng hóa ước tính gần 70 triệu đồng đang được các đối tượng tập kết để vận chuyển đi tiê… Read More