Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

Âm nhạc và câu chuyện ‘thùng chứa âm nhạc rác’

Gần đây báo chí đồng loạt đưa tin nói về “âm nhạc rác”, một loại âm nhạc với ca từ, nội dung bình dân, thô thiển và thô tục được phổ biến và đón nhận khá rộng rãi đến mức báo động.

Trước hết tôi xin mượn lời của hai vị phát biểu trên báo mà tôi nghĩ có ý nghĩa xây dựng tích cực nhất:

-PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Báo chí có trách nhiệm dọn dẹp, kể cả 'rác' văn hóa!”

-TS Phan Quốc Việt: “Chỉ cái đẹp mới 'đè bẹp' cái xấu!”

Thưa quý vị và các bạn!

Âm nhạc là thứ ngôn ngữ duy nhất trên thế gian có thể giúp con người cảm được nhau và đến gần nhau hơn. Âm nhạc còn là những thước phim, những trang nhật ký của lịch sử. Âm nhạc, cũng như tư liệu của lịch sử qua hình ảnh, qua thời trang, qua công nghệ, sẽ ghi lại những mốc, giai đoạn của lịch sử. Nhân loài phát triển đến đâu, tốt xấu như thế nào cũng vẫn phải cần được lưu lại.

Và khi nói đến lịch sử thì ta không thể chỉ lưu lại cái tốt và quẳng đi cái xấu. Âm nhạc đóng vai trò ghi lại lịch sử. Thập niên nào thì nhân loài nói chung hay người dân ở một quốc gia nào đây nói riêng sẽ có những giai điệu thể hiện “mốc sống” của thập niên đấy.

Âm nhạc và câu chuyện thùng chứa âm nhạc rác

Đây là một trong những bài hát khiến Sĩ Thanh bị "ném đá' từ cộng đồng mạng. Ảnh: TL.

Ở Hoa Kỳ là rõ ràng nhất. Thập niên 60, 70, 80, 90 v,v… lịch sử của quốc gia họ được thể hiện rất rõ nét qua âm nhạc. Chỉ cần nghe giai điệu, ca từ là người dân có thể nói ngay thập niên nào và ngay thập niên đấy đất nước đã thành công gì và gặp thất bại gì.

Nếu cái xấu không được nói đến thì làm sao thế hệ trẻ biết thế nào là xấu? Thế nào để tránh cái xấu?

Nên bảo rằng phải có biện pháp cấm âm nhạc rác không được tồn tại chẳng khác nào bảo rằng phải cấm ngôn ngữ dung tục đường phố không được tồn tại vì khi chính mình, người cho rằng có kiến thức, có văn hóa khi bức xúc hay tức giận cũng mở miệng dùng hay vay mượn những từ ngữ đường phố cơ mà. Ngôn ngữ văn hóa thể hiện bức xúc của mình đâu? Có không? Sao không dùng mà phải vay mượn những từ ngữ đường phố? Kể cả trong suy nghĩ? Nếu những từ ấy không được tồn tại thì cớ sao chúng có thể nằm trong suy nghĩ của chúng ta?

Nên khi nghe PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bảo: “Báo chí có trách nhiệm dọn dẹp, kể cả 'rác' văn hóa!” tôi đồng ý dọn dẹp nhưng dọn dẹp theo cách của TS Phan Quốc Việt thì rất hợp lý: “Chỉ cái đẹp mới 'đè bẹp' cái xấu!… ngăn chặn cái xấu bằng cách đưa nhiều cái tốt lên, đưa nhiều bài hát tốt lên, nhiều phim hay lên. Cách duy nhất diệt cỏ là trồng lúa cho tốt, trồng cây hoa quả cho xum xuê. Chỉ chửi bới cái xấu cũng là một việc xấu.” thì mới đúng chuẩn và thiết thực.

Hãy xem nghệ thuật văn hóa là một cuộc thi hoa hậu. Hoa hậu đẹp nhất sẽ được đăng cai và tuyên dương, tán thưởng.

Vấn đề ở đây là báo chí bao lâu nay không hề làm đúng vai trò và trách nhiệm của mình bằng cách lấy cái đẹp đè bẹp cái xấu.

Nói về cách xử lý những "loại rác" đó, ông Phan Quốc Việt chia sẻ: "Thực tế chúng ta thiên về cấm, ngăn chặn, nhưng tôi cho rằng, cấm không phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề. Nhiều khi cấm quá còn có tác dụng ngược, tuyên truyền không công, kích thích tò mò của công chúng. Chúng ta hãy học Bác Hồ, ngăn chặn cái xấu bằng cách đưa nhiều cái tốt lên, đưa nhiều bài hát tốt lên, nhiều phim hay lên. Cách duy nhất diệt cỏ là trồng lúa cho tốt, trồng cây hoa quả cho xum xuê. Chỉ chửi bới cái xấu cũng là một việc xấu."

Nói về việc cần uốn nắn, định hướng thế nào cho giới trẻ, ông nói thêm: "Chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng: “Rau nào sâu nấy”. Tức là môi trường xã hội văn hóa như thế nào sẽ tạo ra thế hệ trẻ như vậy. Vì thế cần tạo nhiều cơ hội cho giới trẻ thể hiện thì họ sẽ bớt đi những thể hiện bản năng sinh lý. Chúng ta không những chỉ mời họ đến với sân chơi của mình, đến với báo giấy mà phải mang cái tốt đến với sân chơi của họ, YouTube, Facebook… Phải có Fanpages lành mạnh, chất lượng, đầy hấp dẫn cho để giới trẻ học tập, giải trí."

Âm nhạc và câu chuyện thùng chứa âm nhạc rác

Bài hát "Không quan tâm" do Minh Như thể hiện trong XFactor 2016 từng khiến các HLV tranh cãi kịch liệt. Ảnh: TL.

Hoa hậu (nghệ sỹ) người ta ra mặt rồi đấy. Họ đã trình bày phô trương sắc đẹp rồi đấy nhưng ban giám khảo không hiểu lý do gì im ỉm. Hay là không đủ khả năng, không có trình độ và không có đạo đức lương tâm làm nghề để nhận diện hoa hậu nào là đẹp thật, hoa hậu nào là đẹp qua dao kéo. 

Một tờ báo nhỏ thì cố gắng tìm hiểu và đưa tin về người nghệ sỹ chân chính làm việc nghiêm túc có tầm ảnh hưởng tích cực đẹp cho xã hội trong khi những tờ báo lớn không những không ủng hộ những tờ báo nhỏ này bằng cách đồng đưa tin ngược lại những tờ báo lớn đưa tin những nghệ sỹ nhí nha nhí nhố có tầm ảnh hưởng tiêu cực xấu thì bảo sao âm nhạc không toàn rác?

Tôi nói có sách mách có chứng. Vì sao? Vì tôi là một nhân chứng.

Tôi tự hào với chính tôi. Hơn 25 năm về nước làm nghệ thuật khán giả mến thương đã cho tôi sự tồn tại. Qua tình cảm chân tình của những khán giả tuyệt vời này tôi có đủ tự tin để khẳng định rằng tôi là người nghệ sỹ "tử tế" làm việc rất ngiêm túc.

Nên tôi đồng ý với PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái là báo chí cần phải “dọn dẹp” rác nhưng trước hết họ cần dọn dẹp rác nơi chính họ, trong tâm hồn họ trước. Bằng cách hãy tác nghiệp với trái tim chân chính tích cực và lương tâm nghề nghiệp. Phải biết cổ súy những gì có thể làm đẹp cho xã hội, cho văn hóa nghệ thuật. Phải có tâm hồn lương thiện biết cho và không cần nhận lại.

Âm nhạc và câu chuyện thùng chứa âm nhạc rác

Ca sĩ Hồng Nhung biểu diễn trên sân khấu.

Mong giới báo chí hãy nhìn nhận sự thật là độc giả nắm quyền trong tay.  Vì thế hãy làm đúng vai trò đứng đắn săn tin và đưa tin của mình. Không vì đồng tiền mà bán rẻ ngòi bút, bán rẻ lương tâm.

Theo tôi, hãy cứ để âm nhạc tốt hay xấu gì đấy thoải mái thể hiện. Dân chủ là thế. Nhưng cùng lúc xin các phóng viên đại diện âm nhạc đẹp hãy tìm đến cổ súy những chân thiện mỹ. Hãy nhìn bức tranh văn hóa nghệ thuật âm nhạc một cách tổng thể. Xin đừng làm văn hóa bằng định kiến tiêu cực hay qua sự độc tài ích kỷ của cá nhân.

Cái xấu, âm nhạc rác vẫn sẽ được cổ súy và lên ngôi khi chúng ta những người có khả năng thay đổi không làm gì hết để bảo vệ và phát huy cái đẹp. Khi chúng ta không biết đoàn kết trân trọng giá trị của nhau để tôn vinh một âm nhạc đẹp, văn hóa đích thực của người Việt Nam. Khi chính nghệ sỹ đi trước vỗ ngực là mình tốt, mình am tường nghệ thuật nhưng không nhận ra những người nghệ sỹ khác cũng tốt như mình để nối vòng tay lớn.

Cứ tiếp tục tự ta làm nhỏ ta như vậy nên xã hội mới lên án chúng ta. Chẳng phải họ đang chỉ vào chúng ta và thốt: “Chính các vị mới là thùng chứa rác.”

Theo PNN

Related Posts: