Theo hãng tin AP, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây đã kêu gọi chính phủ các nước Đông Nam Á ngăn các quan chức ngoại giao Triều Tiên có những hoạt động nhằm thúc đẩy chương trình hạt nhân của họ.
Ông Patrick Murphy, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Tillerson đã kêu gọi các Ngoại trưởng 10 nước ASEAN hãy “tối thiểu hóa” quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, “để Triều Tiên không tận dụng các hoạt động ngoại giao để thúc đẩy tham vọng vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (chính giữa) cùng Ngoại trưởng các nước ASEAN nối vòng tay trong Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN diễn ra ngày 4/5.
Đây là đòn công kích mới nhất của chính quyền Trump nhằm thúc giục cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép ngoại giao và kinh tế đối với Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trước khi nó trở thành hiểm họa đối với Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc là một trong những đồng minh lâu năm và quan trọng nhất của Triều Tiên, song các quốc gia Đông Nam Á cũng có quan hệ ngoại giao và có những hoạt động thương mại quy mô nhỏ với Bình Nhưỡng. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc nói rằng các quan chức ngoại giao Triều Tiên thường đóng vai trò rất lớn trong các hoạt động thương mại mà nghị quyết Hội đồng Bảo an đã cấm nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
“Tại nhiều nước, Triều Tiên có sự hiện diện ngoại giao vượt quá mức cần thiết”, ông Murphy trả lời trước báo giới. Ông cũng khẳng định rằng giữa Mỹ và các nước ASEAN có “quan điểm chung” đối với Triều Tiên, và việc anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong-un bị sát hại tại sân bay Malaysia đã cho thấy “mối đe dọa của Triều Tiên đối với ASEAN”.
Quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết cách giải quyết căng thẳng bán đảo Triều Tiên hiện nay vẫn phải là đối thoại. Ông tin rằng Trung Quốc “có vai trò rất quan trọng” trong quá trình này và ASEAN cho đến nay vẫn chưa có ý định ngừng hoạt động ngoại giao với Triều Tiên.
“Mối quan tâm của chúng tôi hiện nay đó là căng thẳng Triều Tiên không leo thang, bởi nếu căng thẳng càng nóng thì khả năng các bên có những quyết định sai lầm càng cao. Điều mà tất cả chúng ta không muốn thấy đó là một cuộc xung đột nổ ra tại khu vực này”, ông Manalo cho biết.
Các nước Đông Nam Á hiện nay đang tìm cách củng cố quan hệ ngoại giao hơn nữa với Washington trong bối cảnh chính sách thương mại của chính quyền Trump cũng như chính sách đối ngoại với Trung Quốc vẫn còn khá mù mờ. Các nước đều tỏ ra hoan nghênh khi Tổng thống Donald Trump có kế hoạch đến dự một hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Philippines cũng như hội nghị APEC tại Việt Nam vào tháng 11 tới.
Mặc dù vậy, một số đồng minh lâu năm của Mỹ như Philippines và Thái Lan đang xích lại gần Trung Quốc hơn. Philippines, hiện là nước chủ tịch của ASEAN, đã giảm nhẹ những phát ngôn chỉ trích Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và có những hành động gây hấn trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Ông Murphy cho biết, Mỹ vẫn cam kết sẽ đảm bảo tự do đi lại và thương mại trên Biển Đông. Ông nói thêm rằng Ngoại trưởng Tillerson đã yêu cầu tất cả các bên liên quan hãy ngừng quân sự hóa và xây dựng trong các khu vực tranh chấp khi ASEAN và Trung Quốc vẫn tiếp tục đàm phán để lập nên một quy tắc ứng xử ràng buộc nhằm tránh xảy ra xung đột.
Ông Trump đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thuyết phục ông hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đối phó với Triều Tiên. Các nước Đông Nam Á mặc dù hoan nghênh nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc củng cố quan hệ, song có nước lo ngại rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tranh chấp Biển Đông khi họ phản đối mạnh mẽ những hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.
(Theo Infonet)