Đập Pak Beng do công ty Datang Overseas Investment Co., Ltd. (Datang), Trung Quốc, thiết kế và đầu tư thông qua một thoả thuận ký kết với Chính phủ Lào năm 2007, dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2023 và hoạt động thương mại trong năm 2024.
Dù liên minh Save Mekong yêu cầu hoãn quy trình tham vấn đối với dự án thuỷ điện Pak Beng cho đến khi hoàn thiện nghiên cứu – đánh giá tác động trên toàn lưu vực, nhưng uỷ hội Sông Mekong vẫn lấy ngày 20.12.2016 làm ngày chính thức bắt đầu quy trình tiền tham vấn. Trung tuần tháng 5.2017, việc tham vấn đập Pak Beng sẽ được tiến hành tại Cần Thơ trước khi khởi công trong năm nay.
Nợ cũ chưa trả đã vay mới
Trong khi hai dự án thuỷ điện Xayaburi và Don Sahong vẫn “nợ” những câu trả lời về tác động đến hệ sinh thái toàn lưu vực sông Mekong, thì sự quan ngại không chỉ là phương pháp luận để nghiên cứu toàn bộ lưu vực, xem xét tất cả tác động trên dòng chính sông Mekong; mà là cách tham vấn dự án thứ ba này cũng chỉ lấy có rồi sau đó cứ tiến hành.
Sơ đồ đập Pak Beng do công ty Datang Overseas Investment Co., Ltd. (Datang), Trung Quốc, thiết kế và đầu tư thông qua một thỏa thuận ký kết với Chính phủ Lào năm 2007.
Thuỷ điện Pak Beng sẽ được xây dựng trên dòng chính sông Mekong tại tỉnh Oudomxay thuộc Bắc Lào (vùng Tam giác vàng), có chiều cao tối đa của đập khoảng 64m, chiều dài đỉnh đập khoảng 896,70m, công suất lắp đặt 912MW, sản lượng 4.775GWh điện mỗi năm. Khoảng 90% sản lượng điện thương mại sẽ bán cho Thái Lan, phần còn lại do tập đoàn Điện lực của Lào phân phối trong nước.
Quy trình tham vấn trước đối với đập thuỷ điện Xayaburi đã coi nhẹ đánh giá môi trường chiến lược (SEA). Báo cáo SEA dự đoán tác động trên toàn lưu vực nếu các đập đề xuất được xây dựng, đồng thời khuyến nghị trì hoãn xây đập trên dòng chính sông Mekong trong vòng mười năm để nghiên cứu thêm. Kết quả nghiên cứu và khuyến nghị trong báo cáo SEA đã bị bỏ qua trong quá trình ra quyết định đối với cả hai con đập Xayaburi và Don Sahong. Các chuyên gia quan ngại rằng quá trình ra quyết định đối với đập thuỷ điện Pak Beng – hiện đang trong quá trình tham vấn trước – cũng sẽ đi vào vết xe đổ này. Hiện nay, đập thuỷ điện Xayaburi đã hoàn thiện hơn 70%, trong khi các văn bản hiệu chỉnh thiết kế của dự án vẫn chưa hề được công bố, theo liên minh Save Mekong.
Pak Beng là đập dâng, có chế độ vận hành theo ngày, hoạt động 8 – 12 giờ/ngày. Khi khô hạn, đập này có khả năng giữ nước và khiến nguồn nước về hạ lưu chậm đến 1,5 ngày. Thử hình dung chuỗi 11 đập giữ nước từ ba ngày đến ba tuần, chắc chắn nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chậm từ một đến vài tháng. Khô hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô từng ngày và nhiều hệ luỵ khác sẽ khiến ĐBSCL rơi vào những tình huống khó khăn như thế nào, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia tư vấn độc lập –đánh giá tác động môi trường hệ thống đập trên dòng chính Mekong, bức xúc nói.
Nguy cấp vùng hạ lưu
ThS Thiện cho rằng không đánh giá tác động trên toàn lưu vực sẽ không nhận ra những biến đổi do mất cân bằng hệ thống, hàm ý nói về các hố sâu. Khi cát không về (tháng 8 – 9) nước sẽ nạo vét các hố. Sông Tiền có một hố, sông Hậu có một hố, sông Vàm Nao khoảng ba hố. Các hố sâu thường xuất hiện ở bốn vị trí của sông. Thứ nhất xuất hiện ở các đoạn sông cong, nước đập vào chỗ lõm, xuất hiện hố sâu (ứng với loại hố chỗ Vincom Xuân Khánh). Thứ hai, khi dòng sông chảy, có một sông khác đổ vào, bên dưới chỗ ngã ba hợp lưu sẽ có hố sâu. Trường hợp thứ ba, sông đang chảy có xuất hiện lấn vào hai bên tạo thành nút thắt cổ chai. Lưu lượng chảy như nhau, nhưng tiết diện bị hẹp đi, xuất hiện hố sâu bên dưới để bù diện tích mặt cắt hoặc trường hợp dòng sông đang chảy, có một cù lao chặn giữa, dòng chảy tách ra làm đôi sau đó nhập lại thì chỗ sau dòng chảy này có hố sâu.
Người dân địa phương bên một phần bờ sông vừa bị sụp lở. Vẫn chưa rõ hiện tượng này có liên quan đến việc xây đập Don Sahong hay không.
Hố sâu này có vai trò sinh thái rất quan trọng, là chỗ trú ngụ của hơn 200 loài cá. Không có những hố sâu này thì hệ sinh thái sông “đi đời”. Cá tra dầu, cá hô, cá đuối nước ngọt… rút xuống các hố sâu để trú ngụ, tìm mồi, tránh nhiệt vào mùa cạn. Hố sâu có từ lâu đời, là một phần của tự nhiên, nó tự cân bằng. Bây giờ bị mất cân bằng động lực trên toàn hệ thống nên rút sâu vào bờ. Sạt lở chính là do mất cân bằng hệ thống.
Hiện nay, ĐBSCL chỉ còn nhận được cát ở những đoạn từ Lào đổ xuống, nhưng nếu 11 đập này xây dựng xong coi như không còn hột cát nào về nữa. Lúc đó, bờ biển, bờ sông sẽ lâm nguy. Bây giờ đã lâm nguy rồi, bởi vì đập chắn, cách khai thác cát ở Lào, Thái, Campuchia, Việt Nam. Trước đây Việt Nam và Campuchia còn xuất khẩu cát sang Singapore. Nay, Campuchia vẫn còn xuất, Việt Nam tuyên bố chấm dứt vào năm 2009, nhưng vẫn còn xuất khẩu cát biển lác đác. Cả hai nước khai thác cát quá mức cho phép của dòng sông.
Kết quả là, lòng sông ngày càng sâu đi. Một giáo sư người Pháp nhận thấy sông Tiền, sông Hậu đã mất đi 200 triệu tấn cát và đáy sông bị hạ xuống trung bình 1,3m (giai đoạn 2003 – 2012). Có những hố nhân tạo do lấy cát, sâu 15m, rộng mấy chục hecta/hố. Khai thác cát kiểu này ảnh hưởng hàng trăm cây số. Lấy cát ở Hồng Ngự (Đồng Tháp), Tân Châu (An Giang) đồng nghĩa với tình trạng không có cát về Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh.
Khi sở tài nguyên và môi trường (TN&MT) các tỉnh cấp phép cho khai thác cát phía trên cây cầu khoảng 3km, đào một cái hố sâu 15m. Năm sau, cát về bù lại chỗ đó, phía dưới này chân cầu, nước bị đói, sẽ xoáy chân cầu. Xây cầu để xài trăm năm, làm như vậy liệu mấy cây cầu như Mỹ Thuận, Cần Thơ rồi Vàm Cống, Cao Lãnh sẽ đứng được bao lâu? Không chỉ những cây cầu đang sử dụng mà cả những cây đang xây như cầu Cao Lãnh, Vàm Cống cũng bị đe doạ do đáy sông bị hạ, hụt cát. Nhưng các sở TN&MT các tỉnh không cần biết, chỉ cần biết có bao nhiêu là cấp giấy phép khai thác bấy nhiêu, không hề tính đến tỉnh khác, không hề tính đến lượng bù vào bao nhiêu, không biết ngày mai là gì. Khi sạt lở xảy ra thì các viện nghiên cứu bộ này ngành nọ xuống đo đo vẽ vẽ và… đổ cho hố sâu, đổ cho ghe thuyền, nền đất yếu.
Hố sâu có từ lâu rồi, đất yếu ai cũng biết, nhưng chuyện khai thác vô tội vạ thì làm ngơ. Sở TN&MT lên tiếng không phải do khai thác cát vì họ xem dòng sông là cái mương, nước không chảy xiết chứ không nghĩ đây là một dòng sông chảy, dòng sông lớn thứ 12 trên thế giới, cứ thi nhau khoét lỗ, biến dạng đáy sông mà cứ nói không ảnh hưởng tới ai, đúng là tầm nhìn có vấn đề.
“Sạt lở không phải sự kiện đơn lẻ mà là một khuynh hướng mới khởi đầu. Mới khởi đầu mà đã khủng khiếp như vậy, tức là tình hình sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều”, ThS Thiện nhận xét.
Nước đói phù sa
Hiện nay, không chỉ sạt lở bờ sông mà còn sạt lở bờ biển. Bờ biển từ Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh đến Sóc Trăng là vùng toàn cát, khoảng 250km. Từ Bạc Liêu đổ xuống Cà Mau qua Rạch Giá, Kiên Giang, khoảng 360km là bãi bùn.
Về nguyên tắc, thiếu cát sẽ sạt lở ở vùng cửa sông, thiếu bùn sẽ sạt lở vùng bùn. 90% vách Biển Đông đang sạt lở. 60% vách biển Tây cũng đang trong tình trạng đó. Cộng lại trên 300km đang sạt lở. Nhưng không nghe tin tức gì vì “ngoài đó ít nhà, ít người ở”. Có chỗ mỗi năm sạt lở 50m mà không ai hay biết. Sạt lở ngay khu dân cư thì mới thành tin nóng.
Thực ra, ĐBSCL đang trong quá trình rệu rã lắm rồi. Nhờ sông Mekong như băng chuyền to lớn, miệt mài vận chuyển phù sa lơ lửng và bùn bồi đắp suốt 3.500 năm nay khiến tốc độ đất liền ra biển khoảng 26m/năm, tạo thành bờ biển. Phù sa mịn, càng nhẹ thì đi xa; khô, nặng thì đi chậm. Ở Tân Châu có cát khô, cát xây, dưới này có cát san lấp, đi tới vùng cửa sông là bùn hoặc nằm lại trên đồng sau mùa nước nổi. Cát có ba vai trò: 1/ Ổn định và bồi đắp bờ sông, bờ biển (tạm gọi là vai trò địa chất); 2/ Vai trò sinh thái. Bờ biển vùng cửa sông và bờ biển vùng bùn khác nhau, về cây cối và thảm thực vật, động vật khác nhau, do nền đất và nền nước quy định. Không có cát làm gì có nghêu Bến Tre; 3/ Vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.
Thiếu bùn tạo ra hiện tượng nước đói phù sa (hungry water) và sẽ ăn vào bờ. So từ năm 1992 tới năm 2014, tổng lượng phù sa mịn trên sông Mekong đã giảm một nửa (160 triệu tấn xuống còn 85 triệu tấn) sau khi Trung Quốc đắp bảy đập. Dự kiến sau này sẽ chỉ con 42 triệu tấn khi Lào, Campuchia xây tiếp 11 đập. Không thể nhốt dòng sông lại được. Ai cũng biết nhốt chỗ này nó sẽ tung chỗ kia khi nó tự cân bằng động lực, ThS Thiện nói.
“Rất tiếc là bây giờ mình chỉ có nhìn nhận một vai trò thứ 3 thôi. Luật Khoáng sản cũng chỉ công nhận có một vai trò đó thôi. Khi không nhìn nhận hết vai trò của nó, làm sao đánh giá tác động khi khai thác được”, ThS Thiện chua xót nói. “Bây giờ người ta đưa ra định nghĩa mới “cát nhiễm mặn” và đề xuất bán cát biển. Vậy sẽ nạo cát từ cái chân đảo Phú Quốc bán đi?
Khai thác cát do nhu cầu san lấp mặt bằng, người cho phép nói mình làm đúng quy trình, nhưng quy trình đó ở đâu ra? Có đánh giá hết chưa hay tự đặt ra quy trình rồi nói làm theo cách đó là đúng trong khi thực tế đang bất ổn. Đồng bằng này không chỉ tương lai không còn hột cát nào về, không đủ cát để ra biển mà sự biến đổi từ bên trong là nạn bị sạt lở bất kỳ ở đâu, lúc nào còn bên ngoài – bờ biển bị bào mòn, sụt lún, lùi sâu vào đất liền.
Theo Khánh An – Hà My (Thế Giới Tiếp Thị)