Ngoài yếu tố chất lượng kịch bản, những bộ phim 'tiền tỷ' này còn bị khán giả quay lưng bởi nhiều lý do bất ngờ.
1. Ghostbusters 2016
Phiên bản Ghostbusters 2016 vẫn giữ không khí vui nhộn của bản kinh điển năm 1984, chỉ có điều dàn nhân vật chính đã được đổi giới tính. Người hâm mộ thương hiệu phim không hài lòng với dàn "bắt ma" toàn các phụ nữ trung niên. Một số ý kiến cho rằng bộ phim tìm cách thực hiện "bình đẳng giới" không đúng lúc. Sự thay đổi này đã khiến Ghostbusters "đại bại" ở phòng vé.
2. Ghost In the Shell
Chuyển thể từ tựa truyện tranh kinh điển lại có hình ảnh đẹp mãn nhãn, Ghost In the Shell tưởng như có thể "bá chủ" phòng chiếu nhưng kết quả ngược lại. Bộ phim bị ghẻ lạnh vì scandal "tẩy trắng", chọn diễn viên da trắng đóng vai nữ chính người Nhật. Mặc dù tác giả nguyên tác đã lên tiếng bênh vực bộ phim rằng thiếu tá Motoko có cơ thể robot, không hẳn là người châu Á nhưng người hâm mộ vẫn chưa thấy thỏa đáng. Tranh cãi ồn ào quanh nữ chính đã khiến bộ phim thua lỗ không ít.
3. 47 Ronin
Thêm một bộ phim nữa "đại bại" vì vấn để "tẩy trắng". Tuy nhiên vấn đề của 47 Ronin lại nằm ở xung đột văn hóa. Nhà làm phim muốn "Mỹ hóa" một truyền thuyết của Nhật Bản bằng cách thay đổi nhân vật, tình tiết và không khí câu chuyện. Kết quả là bộ phim bị đánh giá nửa vời, quá phương Tây so với khán giả châu Á và quá châu Á so với khán giả Mỹ. Đó là nguyên nhân 47 Ronin trở thành một trong những phim thua lỗ thảm hại nhất lịch sử.
4. Mars Needs Moms
Nhắm đến đối tượng là trẻ em nên Mars Needs Moms có cốt truyện khá đơn giản, thậm chí là hơi ngớ ngẩn. Dù vậy hình ảnh phim bị đánh giá ghê rợn với tạo hình mắt to đùng, da tái nhợt, không khí phim u ám. Khỏi phải nói cũng biết Mars Needs Moms đã "lỗ to" khi ra rạp.
5. Ben – Hur
Làm lại một bộ phim kinh điển là quyết định vô cùng mạo hiểm, nhất là với Ben-Hur. Với khán giả dưới 30 tuổi, đề tài nặng triết lý của phim không tạo sự hấp dẫn. Với khán giả lớn tuổi, Ben-Hur 2016 không thể sánh được với bản phim kinh điển năm 1959. Kết cục bộ phim khiến hãng sản xuất thất thu một khoản tiền khổng lồ.
6. The Lone Ranger
Cũng xoay quanh scandal "tẩy trắng" nhưng The Lone Ranger bị tẩy chay vì nam chính Johnny Depp. Khi nhận bình luận trái chiều, nam ngôi sao đã đăng đàn tranh cãi với khán giả dẫn đến việc bộ phim bị mất thiện cảm.
7. Ender's Game
Ender's Game được đánh giá là một bộ phim khá, tuy nhiên mọi rắc rối bắt nguồn từ tác giả của tiểu thuyết gốc, Orson Scott Card. Card là cây viết nổi tiếng với tư tưởng kỳ thị người đồng tính. Ông từng khiến dư luận phẫn nộ với nhiều phát ngôn mang tính xúc phạm. Mặc dù hãng Lionsgate đã cam đoan Card không được hưởng lợi nhuận từ phim nhưng khán giả vẫn không muốn bỏ tiền đi xem tác phẩm này.
8. Edge of Tomorrow
Bộ phim hành động – giả tưởng của Tom Cruise thua lỗ vì kế hoạch quảng bá không thành công. Nguyên nhân chính là bởi… nhà sản xuất không biết phải giải thích tên phim như thế nào. Edge of Tomorrow có cốt truyện cực kỳ độc đáo, hấp dẫn nhưng tên phim, poster lại chưa thể hiện được điều này.
9. The Interview
Ngay từ trước khi ra rạp, The Interview đã gây lo ngại vì nội dung khá nhạy cảm, kể về cuộc phỏng vấn hài hước với Lãnh đạo tối cao của Triều Tiên. Thậm chí cả Tổng thống Obama còn nhắc nhở hãng Sony về việc phát hành phim. Cuối cùng bộ phim chỉ được chiếu hạn chế ở một số rạp nhỏ.
10. R.I.P.D.
R.I.P.D. bị thất bại do vướng "dớp" của Green Lantern. Bộ phim siêu anh hùng bị ném đá tơi bời vì kịch bản rời rạc, kỹ xảo lòe loẹt, nam diễn viên Ryan Reynolds vô tình gánh hết "lỗi lầm" của Green Lantern. Hậu quả là bom tấn hành động R.I.P.D. sau đó của anh chàng bị khán giả đồng loạt "quay lưng".
Theo VNE