Tết Đoan Ngọ là chuyện của hôm qua nhưng nó vẫn để lại dư âm trong tôi vì vừa bị mẹ đẻ giận vừa cãi nhau với chồng. Hiện tại, tôi đang phải đau đầu để tìm cách giải quyết.
Tết Đoan Ngọ, tôi vừa bị mẹ đẻ giận vừa cãi nhau với chồng. Ảnh minh họa
Tôi năm nay 27 tuổi, đã lập gia đình riêng nhưng thú thực, tôi rất ít khi để ý đến những phong tục liên quan đến lễ nghi, cúng bái trong những ngày lễ Tết. Ngày còn ở với bố mẹ đẻ, tôi chỉ có nhiệm vụ ăn và học. Đến khi đi lấy chồng, mọi việc cũng do mẹ chồng đảm nhận, tôi không phải bận tâm vào bất cứ vấn đề gì. Thế nên mới để xảy ra sự cố "quên" không về Tết bố mẹ đẻ trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Thực ra, ở quê chồng tôi, mọi người cũng không quá câu nệ chuyện lễ Tết. Theo lời mẹ chồng tôi, những ngày như mùng 5/5 Âm lịch (Tết Đoan Ngọ) hay Rằm Tháng Bảy, chỉ cần làm mâm cơm cúng tại nhà là được, không cần phải đến chúc Tết tứ thân phụ mẫu như ngày Tết chính (Tết Nguyên đán). Thế nên, tôi càng ung ung cùng mẹ chồng làm một mâm cơm không quá cầu kỳ để hưởng ứng ngày "giết sâu bọ".
Cơm nước xong xuôi, tôi mới bấm số gọi về cho mẹ đẻ để hỏi thăm tình hình. Mở đầu câu chuyện với giọng điệu vui tươi: "Alo mẹ à, hôm nay nhà mình làm cỗ to không mẹ?", tôi bất ngờ khi nghe giọng mẹ lạnh tanh từ đầu dây bên kia: "Chị vẫn nhớ để hỏi thăm bố mẹ cơ à? Tôi tưởng chị quên hai cái thân già này rồi?".
Cũng lờ mờ đoán là mẹ dỗi vì hỏi thăm muộn, tôi cố nịnh: "Mẹ nói thế nào, quên làm sao được. Con bận tối mắt tối mũi từ sáng, giờ mới có thời gian để thở. Mẹ không thương con thì thôi lại còn nói thế".
Những tưởng nịnh thế mẹ tôi sẽ nguôi giận, nhưng nào ngờ, bà lại "nói mát" tôi: "Giờ trong mắt chị chỉ có chồng với bố mẹ chồng, còn quan tâm gì đến bố mẹ đẻ mà đòi thương với không thương".
Thấy tình hình căng thẳng, tôi vội "dập lửa" bằng cách hứa chiều tối khi chồng tôi đi làm về, hai vợ chồng sẽ đến thăm bố mẹ. Mang tiếng lấy chồng khác tỉnh nhưng nhà chồng tôi và nhà đẻ chỉ cách nhau 1 con sông. Thế nên, chỉ cần đi qua cây cầu bắc qua sông và khoảng 20 phút đi xe máy là tôi đã có thể gặp được bố mẹ đẻ.
Tuy nhiên, dự định về thăm bố mẹ của tôi đã không thực hiện được vì buổi chiều, tôi được thông báo phải ở nhà tiếp đón gia đình chú (em trai bố chồng tôi) từ Đà Nẵng ra chơi. Từ ngày về làm dâu ở đây, tôi chưa từng gặp vợ chồng chú thím vì ngày cưới tôi, chú đang đi công tác TP HCM, còn thím phải ở nhà cho các em đi học nên theo lời mẹ chồng tôi, chú thím rất muốn gặp trực tiếp cháu dâu của mình. Vì vậy, không còn sự lựa chọn nào khác, tôi buộc phải ở nhà và "muối mặt" nhấc máy lên gọi lại cho mẹ.
Không để tôi trình bày hết lý do, mẹ tôi đã mắng xối xả: "Cả năm có ngày Tết mùng 5/5 cũng không thèm về. Mới đi lấy chồng có mấy tháng đã quên hết ông bà Tổ tiên. Các cụ nói cấm có sai, con gái là con người ta, chả được cái tích sự gì".
Nói xong, mẹ tôi cúp máy. Hóa ra, mẹ giận tôi không chỉ chuyện không về thăm bố mẹ đơn thuần mà nghiêm trọng hơn là tôi đã không về thắp nén nhang cho ông bà Tổ tiên trong ngày Tết này.
Suốt buổi tối, mặc dù vẫn tỏ ra vui vẻ với vợ chồng chú thím và các em nhưng trong lòng tôi ngổn ngang nhiều suy nghĩ. Tôi tự dằn vặt bản thân đã quá vô tâm khiến mẹ giận rồi như không biết trút nỗi ấm ức vào đâu, tôi đâm ra gây sự với chồng. Tôi trách móc chồng chuyện không đến "chuộc lỗi" với bố mẹ. Sau đó quay sang kêu ca việc mất tự do; bị phụ thuộc vào gia đình nhà chồng để dẫn đến nông nỗi muốn về thăm bố mẹ đẻ cũng không được…
Ban đầu chồng tôi động viên rằng, chuyện đã lỡ rồi, sẽ tranh thủ về thăm bố mẹ và nhận lỗi sau. Nhưng khi thấy tôi vẫn càu nhàu quá nhiều về vấn đề này, anh ấy cũng tỏ vẻ khó chịu. Sẵn có tí men trong người khi uống cùng chú buổi tối, chồng tôi cũng có lời qua tiếng lại với tôi, anh ấy nói tôi quá đáng, cả giận mất khôn… Vì quá ấm ức khi tự dưng vừa bị mẹ giận vừa bị chồng mắng nên cả đêm tôi không sao ngủ được. Đúng là dư âm đáng nhớ trong ngày Tết Đoan Ngọ năm nay.
Theo Giadinh