Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Cái kết của người vợ ngoan – Phần 37

Sau buổi gặp Linh xong, bỗng nhiên nàng thấy mình có được cảm giác về sự “tự do”! Nàng thực sự không hiểu vì sao cảm giác ấy lại đến với nàng trong hoàn cảnh không có gì là vui như thế!

Cả kể khi nàng nghĩ về sự lơ là của Sơn, chồng nàng, sự kín tiếng và âm thầm quyềt định của Mẹ, những dấu ấn không vui về những người đàn ông đi qua đời nàng… tất cả dường như chỉ còn là những hình ảnh nhạt nhòa! Nàng trở nên không bị vướng bận với những người đó nữa! Vâng thật sự là vậy, kể cả chồng của nàng!

Khi những lúc nàng cần ai đó lên tiếng mà đã không nghe được tiếng nói của họ, thì sau đó họ có nói gì cũng vô ích cả! Khi nàng cần biết bao sự yêu thương và thấu hiểu của ai đó mà đã không có được những điều ấy, thì sau đó những yêu thương và thấu hiểu có xuất hiện đi nữa cũng chẳng có tác dụng gì! Nàng biết nàng là nàng và hiểu nàng đã làm gì…

Chuyến đi này là việc phải làm. Có thể ban đầu, nàng cảm thấy xót xa như thể mình bị lưu đày, bị trừng phạt vì những lỗi lầm. Cũng có thể ban đầu, nàng cảm thấy xấu hổ khi mình phải ra đi để tránh những tai tiếng, dị nghị của thiên hạ đối với bản thân và gia đình nàng. Hoặc cũng có thể ban đầu, nàng phải ra đi để làm công việc cho gia đình mà mình không muốn như thế. Nhưng bây giờ, chính nàng, nàng nhận thấy rằng chuyến đi đó cũng thực sự cần thiết cho nàng.

Nàng có dịp biết đến những nơi chốn và những con người khác với trước giờ nàng biết, nàng cũng có thể tự do sống cuộc đời của mình, đi đến nơi mình thích, làm những việc mình muốn, và nàng cũng sẽ có quyền yêu cũng như được yêu. Nàng nhận ra rằng mình không cần phải chạy trốn bản thân và né tránh sự đau khổ nữa… Và nàng cũng thấy rằng mình cũng có thể tìm thấy những niềm vui cho riêng mình, rồi tận hưởng đó. Cứ sống, tận hưởng, thực lòng, trong từng phút giây mà nàng hiện có, ngay tại nơi nàng đang hiện diện và với những ai đang thực sự gần nàng, cần nàng và quan tâm đến nàng…

Nàng cảm thấy nhẹ lòng khi rảo bước đi bộ về nhà, vào bếp chuẩn bị món súp mà bé con thích ăn, cặm cụi làm món thạch rau câu cho thầy giáo Phong sáng hôm sau, ủi mấy bộ trang phục cho chính nàng dùng trong những ngày tới và cùng chị giúp việc chuẩn bị bữa chiều cho Mẹ…

Bản năng cần chăm sóc ai đó tự nhiên trỗi dậy và nàng hài lòng khi bắt tay vào làm những việc ấy, trong tâm trạng yên bình và thanh thản…

Thật sự là khi viết nhật ký, người ta cũng có khi mong có ai đó đọc…

Nhưng khi đặt bút viết, thường chỉ là để viết cho mình…

Có lẽ Nàng cũng như thế!

Nhật ký khác với viết thư

Khác với nói chuyện

Khác với tự ngẫm nghĩ

Khác với viết văn

Khác với giao lưu trên mạng xã hội…

Nhật ký là sự hiện ra một phần của những suy nghĩ

Nhật ký cũng giúp người soi rọi lại bản thân

Và giúp người ta sống tiếp

Theo cách như người viết có thể…

Cuộc sống luôn đi tới

Sự việc thì đã xảy ra

Chỉ có nét chữ thì ở lại

Trên giấy

Và trong trí người viết

Cũng như trong trí của người đọc…

Nàng đã sống, đã trải qua, đã viết

Nàng cũng đã đọc những gì nàng viết

Và nàng cũng đang sống

Cũng đang đi tới…

– “Chị không học được nữa đâu! Tôi thấy chị không tập trung được! Có chuyện gì xảy ra cho chị vậy?”, thầy giáo Phong hỏi khi thấy nàng không tập trung lắm trong buổi học sáng hôm sau.

– “Xin lỗi thầy! Em hơi mệt và có nhiều điều phải lo nghĩ nên không tập trung được! Xin phép thầy…”

– “Mình có thể tạm ngưng tại đây! Chị không cần cố gắng nữa! Mình chỉ nói chuyện thôi cũng được, nếu sau đó chị thấy ổn thì ta tiếp tục lại”.

– “Dạ!”

Nàng đứng lên, xin phép vào trong, rồi mang trà và thạch rau câu ra mời Phong. “Thầy nghỉ và dùng chút rau câu nhé! Hôm nay em làm hỏng buổi học rồi!”

– “Cám ơn chị! Không sao, chị cứ nghỉ một chút đí!”

Phong dùng chút trà, đưa mắt quan sát nàng khi nàng lấy dao cắt thạch thành những miếng nhỏ. “Tôi xin hỏi chi điều này!”

Cái kết của người vợ ngoan – Phần 37

– “Sao ạ? Thầy cứ hỏi!”

– “Dường như chị không muốn đi tu nghiệp phải không?”

Nàng nhìn Phong, lúng túng, “Sao thầy nghĩ vậy?”

– “Tôi chỉ cảm thấy vậy! Chị hẳn sẽ thấy nhớ con khi đi xa, hoặc là… chị không thích công việc này lắm! Phụ nữ đã có gia đình mà phải đi xa trong 1-2 năm thì có nhiều điều phiền hơn, bất tiện hơn là nam giới. Vì tôi cũng đã từng xa nhà, tôi cũng hiểu phần nào cái khó của chị”.

– “Dạ, thầy để ý nhiều vậy sao? Em… không biết nói sao, nhưng hoàn cảnh lúc này em phải đi thầy ạ! Đúng là em không đành xa con và cũng không muốn đi nữa… Nhưng biết thế nào được!”

– “Chị cần tôi giúp gì không?”

– “Dạ, chắc không phiền thầy đâu! Đây là công việc của gia đình em. Em phải tự lo…”

Phong im lặng, nhưng vẫn đưa mắt nhìn gương mặt nàng. Nàng thấy lúng túng trước cái nhìn của Phong, nên lãng sang chuyện khác:

– “Thầy dùng thạch đi ạ!”

– “Vâng! Chị làm đấy à?”

– “Dạ!”, nàng cố mỉm cười và đáp.

Phong dùng thạch, có vẻ suy nghĩ một chút rồi hỏi tiếp:

– “Xin lỗi chị tôi hỏi điều này: Anh nhà cũng đồng ý cho chị đi chứ?”

Nàng lúng túng trở lại. Nàng cảm thấy khó nói nhưng cũng không thể tránh câu hỏi của Phong. ó lẽ Phong cảm nhận điều gì đó bất ổn ở nàng nên mới hỏi sâu như vậy. Nàng chỉ biết nhìn Phong và khẽ gật đầu.

– “Vợ chồng ở xa nhau cũng… khó khăn chị nhỉ! Tôi chưa có gia đình, nhưng ba mẹ tôi cũng từng có những giai đoạn xa nhau… Tôi cũng hình dung cái khó của chị… một chút!”

Giọng của Phong trầm xuống và nàng cảm thấy người thầy giáo trẻ ấy dường như đang mở lòng tìm người tâm sự…

– “Vậy… thầy có gặp ba mình thường xuyên không ạ?”

– “Cả một câu chuyện dài chị à!”, Phong đáp sau một chút ngập ngừng…

Nàng cảm thấy Phong dường như cũng có tâm sự. Anh đang bắt chuyện với nàng, vừa để lưu tâm đến chuyện của nàng và đồng thời cũng muốn có ai đó để tâm sự chuyện của mình chăng?

– “Chị à! Trưa nay, tôi mời chị dùng bữa trưa nhé! Có tiện không ạ? Dường như buổi chiều thì chắc chị sẽ bận đón và chăm bé?”

Lời mời đột xuất của Phong khiến nàng hơi bất ngờ. Nàng ngập ngừng nói với Phong:

– “Thầy đợi em chút, em vào trong xem việc nhà hôm nay thế nào đã nhé! Em sẽ ra ngay…”

Nàng đi vào trong, hỏi thăm chị giúp việc và điện thoại cho Mẹ. Sau một lát, nàng trở lại và nói với Phong:

– “Em thu xếp được rồi thầy ạ! Trưa nay, cô em ở lại nơi làm việc, không về. Em có thể đi được!”

Phong mỉm cười với nàng và nói một câu đùa dí dỏm: “Giống như hôm nay, cả thầy và trò cùng nhau cúp tiết nhỉ?”. Nàng mỉm cười và cảm thấy vui lây sau câu nói của Phong. Lúc đó chỉ mới 10g. Nàng xin phép thu dọn ấm tách trà và đĩa thạch mà Phong đã dùng xong. Rồi nàng xin phép vào trong để chuẩn bị.

Vào phòng trong, nàng tự soi mình trong gương. Đúng là hôm nay nàng trông khá mệt mỏi, đúng như Phong đã nhận thấy. Bộ trang phục công sở nàng đang mặc trên người trông có vẻ đơn điệu, lẽ nào mặc như thế này? Hay là nên thay đổi một chút cho tươi tắn hơn?

Nàng mở tủ quần áo, sau cùng lấy ra một chiếc đầm ôm ngắn, sát nách, màu xanh dương, chiếc áo mà nàng ít khi mặc, trừ vài lần đi tiệc với chồng trước đây. Ướm thử áo và soi mình trước gương, trong đầu nàng suy nghĩ: Liệu có hợp không khi mặc chiếc áo này đi cùng thầy giáo trẻ của mình? Nhưng có sao đâu nhỉ!

Nàng thay áo, không dùng tất da, dùng một dây thắt lưng mỏng chít nhẹ ở phần eo lưng, rồi mang một đôi giày bít trắng. Đánh một chút phấn, thoa phớt chút son môi, chải lại mái tóc đã được cắt ngắn ngang vai từ sau tuần lễ xuất ngoại trở về. Rồi nàng quay trở ra phòng khách…

Phong nhìn nàng với vẻ hơi ngạc nhiên: “Chị chuẩn bị nhanh thật đấy! Trông khác rất nhiều so với mọi ngày! Có lẽ chị chọn nơi đi, tôi không rành chỗ ở đây bằng chị!”

Nàng cười và nói với Phong: “Dạ! Thầy lấy xe ra trước ạ! Em lấy xe đi ra sau nhé! Gần đây

có quán cơm văn phòng và cà phê. Em sẽ chỉ chỗ cho thầy!”

Lòng thấy vui vui, nhẹ nhàng, nàng chạy xe phía trước dẫn đường, xe của Phong đi sau. Rồi hai người đến trước cửa một quán cơm văn phòng bên trong một con đường nhỏ, cách nhà khoảng hơn 5 phút chạy xe. Phong đế nghị vào bên trong phòng lạnh vì ngoài trời nắng rất gay gắt.

Đó là lần đầu tiên, hai “thầy – trò” cùng đi dùng bữa với nhau…

Phong cười nói với nàng: “Chị đã làm nhiều món cho tôi dùng mỗi sáng, hôm nay đến lượt tôi mời chị nhé!”. Nàng đáp lại: “Ồ! Lẽ ra trò phải mời thầy mới đúng chứ ạ!”

Cả hai cảm thấy tự nhiên hơn với không khí ngoài quán ăn, khác hẳn với không khí nghiêm túc, khách sáo, của những buổi học tại nhà mỗi sáng. Phong đưa quyển menu để nàng gọi món và sau đó, anh mở lời gợi chuyện trong khi họ đợi món:

– “Tôi đến nhà giúp chị học mấy tuần nay, và có nhận thấy vài điều thắc mắc… Không biết có tiện không khi hỏi chị những chuyện đó nữa?”

– “Dạ, thầy cứ hỏi!”

– “Uhm… Dường như chị chỉ sống với cô và chồng… Tôi chưa nghe nói về gia đình của chị… Ý tôi là gia đình bên ngoại của cháu bé?”

Nàng cảm thấy tim thắt lại khi nghe Phong hỏi. “Dạ… chuyện dài thầy ạ! Em chỉ có chồng em và cô em là những người thân ở đây thôi. Thỉnh thoảng em về quê bên chồng. Còn bên em thì… không còn ai để liên lạc cả!”

Phong gật đầu nhẹ, có vẻ như thấy không tiện hỏi thêm nên anh chuyển sang chủ đề khác:

– “Chị sắp sang bên đó trong hoàn cảnh chỉ có một mình nên tôi muốn chia sẻ một số hiểu biết của mình về môi trường sống bên đó với chị thôi”.

– “Vậy hôm nay, dùng cơm xong, em sẽ phiền thầy truyền lại cho một số kinh nghiệm sống bên đó thầy nhé!”

Phong mỉm cười “Đương nhiên rồi! Tôi sẽ giúp chi”. Rồi nàng mời Phong dùng bữa. Trong lòng tự nhiên thấy vui hơn lên, nàng lấy nước chấm ra chén nhỏ cho Phong, còn Phong thì chuẩn bị muỗng, đũa cho nàng. Ánh nắng gay gắt bên ngoài không lọt vào bên trong gian phòng có điều hòa mát lạnh bên trong, và trên chiếc bàn nhỏ, ở cái góc riêng này, nàng có một bữa ăn ấm áp, vui vẻ với Phong. Lâu rồi, nàng mới có bữa cơm ngon miệng như thế!

Cũng trong bữa ăn đó, nàng có dịp biết được nhiều điều về cuộc sống riêng tư của Phong, và ngược lại nàng cũng mở lòng cho Phong biết một số chuyện riêng tư về gia đình nàng…

– “Chị dùng chút bia nhé!”, Phong đề nghị.

– “Dạ, cũng được, nhưng em không uống nhiều được!”

– “Uhm, tôi cũng vậy!”

Nàng vui vẻ nhận lời khi thấy không khí nói chuyện trở nên thoải mái hơn. Rồi Phong đột ngột đổi cách xưng hô: “Chị Trang à! Chị không cần phải xưng hô khách sáo như lâu nay đâu! Phong nhỏ tuổi hơn chị mà”.

Mặt nàng hơi ửng đỏ, có lẽ do chút bia nên cảm giác hơi ngà ngà, “Không được đâu! Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy mà! Thầy Phong đừng ngại, em gọi thế quen rồi!”

Rồi Phong chỉ dẫn cho nàng thêm nhiều điều cần biết khi sang sống, làm việc ở Seoul, phong tục của người dân bên ấy, một số điều nên tránh và một số địa chỉ liên hệ cần biết. Thỉnh thoảng, nàng bắt được ánh nhìn của Phong với vẻ trìu mến đặc biệt khi nhìn vào mắt nàng. “Mình nghĩ gì vậy? Có gì nhầm lẫn không nhỉ?”, nàng thầm nghĩ, “Đừng như thế nhé! Anh ta còn cuộc đời tươi trẻ, mình không được gây nên những nhầm lẫn như thế! Không được! Không được!”

Nhưng dường như Phong đang biểu tỏ một cảm xúc khá lạ mà lâu nay nàng chưa từng nhận ra nơi Phong. Và đúng như nàng linh cảm, Phong bỗng trầm giọng nói với nàng: “Chị Trang! Phong thấy rất quý mến chị! Không hiểu sao nữa! Chỉ là tình cảm tự nhiên đến thôi… Chị đừng giận, đừng phiền khi Phong nói vậy nhé! Chị giống… một người bạn gái mà Phong đã chia tay khi còn học ở bên kia…”

Nàng nhìn vào mắt Phong. Đôi mắt ấy có vẻ rất chân thành. Mặt nàng lại ửng đỏ một lần nữa. Dường như nàng cũng thấy xúc động khi nghe Phong nói, sự xúc động khi có ai đó bày tỏ cảm tình chân thật với mình, dù rằng nàng nhận rõ đó không phải là tình yêu lứa đôi. Và có vẻ linh cảm của nàng đúng khi Phong đang tìm kiếm một ai đó để giải bày tâm sự của mình. Bất giác nàng lấy bàn tay mình đặt nhẹ lên bàn tay của Phong: “Thầy Phong à! Thầy sao vậy? Em làm thầy nhớ đến kỷ niệm buồn sao ạ?”

– “Không đâu! Chị khác với cô ấy nhiều điều, về cách nói chuyện, về tính tình. Chỉ có điều hơi giống cô ấy về ngoại hình mà thôi. Chiếc áo chị mặc hôm nay làm Phong gợi nhớ nhiều hơn về cô ấy…”

Và câu chuyện tình của Phong có dịp được kể ra, sau bữa cơm trưa đột xuất ấy…

Theo Afamily

Related Posts: