Phiên bản gốc của các câu chuyện cổ tích như ‘Cô bé Lọ Lem’, ‘Hoàng tử ếch’ chứa đựng rất nhiều chi tiết đáng sợ.
Cô bé Lọ Lem
Cô bé Lọ Lem là một trong những câu chuyện cổ tích được đánh giá cao về tính nhân văn. Từ khi được xuất bản vào cuối thế kỷ 17 cho đến nay, hàng trăm phiên bản khác nhau của Cô bé Lọ Lemđã ra đời.
Trong phiên bản được lưu hành hiện nay, sau khi cha mất, Lọ Lem buộc phải sống với bà mẹ kế và hai cô chị độc ác. Một ngày nọ, bà tiên đã giúp đỡ Lọ Lem để cô có thể tham dự dạ hội. Khi chuông đồng hồ điểm 0h cũng là lúc Lọ Lem phải quay trở về nhà, nhưng cô đã vô tình làm rơi chiếc giày thủy tinh. Hoàng tử mở hội ướm giày tìm vợ và chiếc giày vừa như in với đôi chân Lọ Lem. Kết thúc câu chuyện, hoàng tử và Lọ Lem sống hạnh phúc bên nhau suốt đời, còn các cô chị cũng cưới được những người chồng có quyền cao chức trọng.
Trong bản gốc của Grimm thì mọi chuyện lại không diễn ra tốt đẹp như vậy. Tại lễ ướm giày, hai cô chị của Lọ Lem đã lừa hoàng tử bằng cách cắt chân của mình để vừa với đôi giày. Tuy nhiên, những con chim đã mách hoàng tử và khiến chàng nhận ra rằng đôi chân của các cô chị Lọ Lem đang chảy máu.
Bên cạnh đó, cũng có phiên bản kết thúc với việc bà mẹ kế và các cô chị bị những con chim mổ mù mắt. Đó là chi tiết thể hiện rằng cái ác cuối cùng sẽ bị trừng trị.
Hoàng tử ếch
Trong phiên bản thường gặp, nàng công chúa đã trao tặng nụ hôn cho hoàng tử lúc này đang ở hình dạng chú ếch. Nhờ vậy, chàng quay trở lại thành người.
Tuy nhiên, phiên bản gốc của câu chuyện lại xuất hiện những chi tiết hoàn toàn khác. Công chúa vốn chẳng ưa gì chú ếch. Trong lúc bực tức, nàng đã ném chú ếch vào tường. Nhờ hành động này mà chú ếch có thể quay trở lại làm hoàng tử.
Ở một phiên bản khác, thay vì một nụ hôn (hoặc một cú ném), chú ếch đã ngủ trên gối của công chúa trong một đêm với sự đồng ý miễn cưỡng của nàng. Điều đó giúp cho chú ếch trở lại hình dạng trước kia.
Hansel và Gretel
Hansel và Gretel là câu chuyện kể về hai anh em bị lạc vào căn nhà được xây bằng bánh kẹo của mụ phù thủy độc ác chuyện ăn thịt người. Sau đó, hai anh em đã thoát khỏi được những nguy hiểm nhờ sự thông minh của mình.
Tuy nhiên, trong một phiên bản khác, hai đứa trẻ không phải đi lạc mà thực ra đã bị cha mẹ ruột của mình bỏ rơi ở trong rừng để khỏi phải nuôi nấng.
Bên cạnh đó, câu chuyện còn một số chi tiết rùng rợn. Hansel đã sử dụng xương của một nạn nhân trước đây để đánh lừa phù thủy tin rằng những cố gắng “vỗ béo” cậu của mụ ta không thành công. Kết truyện, Gretel đẩy phù thủy vào lò nướng.
Rapunzel
Nàng Rapunzel cũng có nguyên gốc từ truyện cổ Grimm, nhưng hai anh em nhà Grimm đã mô phỏng nó theo một truyện cổ của Pháp. Câu nói “Rapunzel, Rapunzel, hãy thả tóc của con/nàng xuống đi” trong tác phẩm là một trong những câu thoại được yêu thích và sử dụng rất nhiều ngày nay.
Trong phim hoạt hình của Disney, Rapunzel được xây dựng với hình ảnh trong sáng, ngây thơ. Tuy nhiên, ở phiên bản gốc do anh em nhà Grimm tạo ra, nàng đã mang bầu sau nhiều đêm lén lút để hoàng tử leo lên tháp qua đường tóc của mình. Mặc dù Rapunzel có thai nhưng sau đó nàng lại bị hoàng tử bỏ rơi và lãng quên. Về phần hoàng tử, chàng dường như không có ý định kết hôn với nàng.
Nàng tiên cá
Trong những phiên bản thân thiện với thiếu nhi, kết thúc câu chuyện, nàng tiên cá biến thành người và lấy hoàng tử. Hai người hạnh phúc bên nhau mãi mãi.
Tuy nhiên, phiên bản gốc của Andersen đậm chất bi kịch hơn bất kỳ phiên bản nào khác. Nàng tiên cá đã không thể có được tình yêu của chàng hoàng tử cũng như sự bất tử mà nàng mong muốn. Trước khi phù thủy biến đuôi của nàng tiên cá thành đôi chân, bà ta đã cảnh báo rằng nếu hoàng tử cưới một người con gái khác thì trái tim nàng sẽ tan vỡ và nàng biến thành bọt biển.
Cuối cùng, hoàng tử đã lấy một công chúa khác. Lúc đó, những cô chị của nàng tiên cá đã mang đến một con dao và nói rằng nếu nàng giết chết hoàng tử bằng con dao đó thì nàng sẽ trở lại thành tiên cá và sống thêm rất nhiều năm nữa. Tuy nhiên, nàng tiên cá đã không giết hoàng tử và tự gieo mình xuống biển sâu.
Đối với nhiều người, dù kết thúc của phiên bản này gợi sự đau lòng nhưng nó cũng mang đầy tính nhân văn bởi nàng tiên cá đã lựa chọn hy sinh, chứ không phải là giết chết người đàn ông đã không đáp lại tình yêu của mình.
Cô bé quàng khăn đỏ
Cho đến nay người ta vẫn không thể xác định được đâu là phiên bản ra đới sớm nhất của Cô bé quàng khăn đỏ bởi có quá nhiều phiên bản đã được đưa ra.
Trong phiên bản được sử dụng nhiều nhất, người thợ săn đã mổ bụng con sói để cứu hai bà cháu. Trong câu chuyện ấy, con sói được sử dụng đơn thuần như một hình ảnh ngụ ngôn nhằm răn đe trẻ nhỏ về việc không được nói chuyện với người lạ
Ở một phiên bản mang tính rùng rợn hơn, con sói và bà của cô bé cùng là một người. Bên cạnh đó, cũng có phiên bản nói rằng trước khi giết chết con sói, nhằm có được tài sản của bà, cô bé quàng khăn đỏ đã cho phép con sói ăn thịt bà. Tuy nhiên, gây sốc nhất phải kể đến phiên bản mà ở đó để cứu bản thân, cô bé đã sử dụng cơ thể mình để quyến rũ, tán tỉnh con sói trên tấm chăn mà bà cô bị giết.
Công chúa ngủ trong rừng
Nhiều phiên bản của Công chúa ngủ trong rừng kết thúc khi lời nguyền bị phá vỡ bằng nụ hôn đích thực giữa hoàng tử và công chúa.
Còn trong phiên bản của Charles Perrault, sau khi công chúa thức giấc, hoàng tử đã đưa nàng về lâu đài. Nhưng một mối nguy hiểm khác còn lớn hơn ập đến khi mẹ của hoàng tử lại là một con quỷ chuyên ăn thịt người.
Khi hoàng tử (lúc này đã trở thành vua) ra chiến trường, mẹ chàng sai người giết công chúa và hai đứa cháu để có thể ăn thịt họ. May mắn thay, người đầu bếp tốt bụng đã giúp đỡ công chúa và sau đó, nhà vua cũng trở về kịp lúc. Cuối cùng, vị vua nhốt mẹ mình vào một căn phòng giam đầy rắn độc.
Tuy nhiên, được nhắc đến nhiều hơn cả là phiên bản mà hoàng tử, trước vẻ đẹp của công chúa, đã “tấn công” nàng. Công chúa chỉ tỉnh giấc sau khi sinh hạ một cặp song sinh, trong khi hoàng tử vì xa cách từ lâu, đã hoàn toàn quên mất nàng.
Theo VNE