Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Những mẫu phụ nữ Việt trong dàn nhân vật ‘Thương nhớ ở ai’

Mỗi nhân vật trong bộ phim đại diện cho một hình mẫu phụ nữ Việt Nam.

Bộ phim Thương nhớ ở ai được chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng. Nội dung phim xoay quanh nhân vật Vạn – bộ đội phục viên về làng Đông, trong bối cảnh miền Bắc Việt Nam vừa kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Qua mối quan hệ của Vạn, những người phụ nữ trong làng được đạo diễn Lưu Trọng Ninh khắc họa rõ nét. Mỗi người có tính cách khác nhau, điển hình cho những người phụ nữ thời xưa và xen kẽ những nhân vật bứt phá với lối suy nghĩ của phụ nữ hiện đại.

Trích đoạn tập 11 ‘Thương nhớ ở ai’

1. Nhân

Những mẫu phụ nữ Việt trong dàn nhân vật Thương nhớ ở ai

Nhân là nhân vật trung tâm của phim và cũng là mẫu người phụ nữ Việt Nam điển hình. Nhân dịu dàng, chăm chỉ và luôn nhẫn nhịn mọi chuyện, lựa chọn hy sinh bản thân.

Vì mối thù giữa hai họ trong làng Đông mà Nhân và Vạn không thể đến với nhau. Vạn bỏ làng đi, Nhân cưới người khác. Chồng hy sinh, Nhân thành vợ liệt sĩ, ở vậy nuôi ba con, tự tay làm hết việc nặng nhọc trong gia đình. Chưa bao giờ Nhân than vãn, kể lể mà chỉ nhẫn nhịn, chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Thậm chí, khi Vạn đã quay về làng, Nhân cũng không dám đáp lại tình cảm của Vạn vì nghĩ đến người chồng liệt sĩ và ba đứa con. Nhân chấp nhận hy sinh hạnh phúc của bản thân.

2. Hơn

Những mẫu phụ nữ Việt trong dàn nhân vật Thương nhớ ở ai

Hơn được miêu tả là cô gái đẹp nhất làng Đông, làm dâu trong gia đình địa chủ. Thời thế thay đổi, chồng Hơn bị xử tử, để lại mẹ con Hơn nương tựa vào nhau. So với Nhân, cuộc sống của Hơn khổ sở hơn. Cô đã nhiều lần nghĩ đến cái chết vì không chịu được cảnh mất chồng, bị cả làng dè bỉu, xa lánh. Vì con trai, Hơn phải nuốt nước mắt vào trong để sống tiếp.

Khác với Nhân, Hơn sẵn sàng bày tỏ tâm tư tình cảm của mình, thậm chí dám đấu tranh cho tình yêu. So với những người phụ nữ của làng Đông, Hơn có chút gì đó hiện đại, mạnh mẽ hơn.

3. Nương

Những mẫu phụ nữ Việt trong dàn nhân vật Thương nhớ ở ai

Nương là một nhân vật phá cách trong phim. So với những người phụ nữ khác trong làng, Nương từng trải và đanh đá hơn nhiều. Nương sống tự do, luôn khát khao vượt ra khỏi rào cản lễ giáo phong kiến. Chính vì cá tính này, cộng với quá khứ từng là cô hát ả đào trên phố khiến Nương bị kỳ thị bởi những người dân ở làng. Nhưng điều đó không làm người phụ nữ này bận tâm. Cô vẫn mạnh mẽ sống cuộc sống của mình.

Nhưng bên trong vỏ bọc ghê gớm ấy của Nương là một người phụ nữ mềm mại, cũng biết yêu, biết ghét. Sự yếu đuối của Nương thể hiện khi cô nhận được tình cảm của Đột – chủ tịch xã, cô đã không dám đáp trả vì khoảng cách địa vị giữa hai người.

4. Liễu

Những mẫu phụ nữ Việt trong dàn nhân vật Thương nhớ ở ai

Liễu là cô gái chửa hoang ở làng Đông, bị phạt cạo đầu bôi vôi, thả trôi sông. Chỉ là một nhân vật phụ trong phim nhưng Liễu cũng khiến người xem ghi nhớ bởi hoàn cảnh trớ trêu. Liễu là đại diện cho những cô gái ngây thơ, khờ dại, dễ bị đàn ông dụ dỗ rồi ruồng bỏ, không biết tự bảo vệ mình. Khi bị làng bắt phạt vì tội làm “bại hoại gia phong”, Liễu cũng chỉ cam chịu, chấp nhận cái chết nếu như không có Nương cứu.

5. Bà Bánh

Những mẫu phụ nữ Việt trong dàn nhân vật Thương nhớ ở ai

Vợ chồng ông bà Bánh là tuyến nhân vật phụ nhưng cũng gây ấn tượng với khán giả vì chứa đựng những nét điển hình của một gia đình thời xưa. Ông Bánh là người đàn ông gia trưởng, trọng nam khinh nữ nhưng lại không đẻ được con trai. Để “dằn mặt” vợ, mỗi lần đến bữa cơm, ông đều bắt mấy cô con gái phải đọc bài vè “Chúng con là lũ vịt giời. Bé thì ăn hại, lớn thì bay đi” cho vợ “sáng mắt ra”.

Bà Bánh cam chịu tất cả, luôn nghe theo lời chồng, chấp nhận đẻ liên tục để cố được một thằng cu cho ông chồng vừa lòng. Bà Bánh, cũng như nhiều phụ nữ thời xưa, luôn coi chồng mình như lẽ sống, không bao giờ dám trái lời, luôn nhẫn nhịn mà nhận phần cay đắng về mình.

Theo VNE

Tin liên quan

Related Posts: