Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Chiêm ngưỡng nguyệt thực đêm nay qua kính thiên văn hiện đại nhất Việt Nam

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam phối hợp với Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội tổ chức quan sát nguyệt thực một phần vào đêm nay, rạng sáng ngày mại tại Đài Thiên văn Hòa Lạc. Đây là sự kiện thiên văn đáng chú ý nhất năm nay có thể quan sát được tại Việt Nam.

Tại đây các bạn trẻ có thể ngắm nguyệt thực thông qua kính thiên văn quang học có đường kính 0,5 m do Công ty Marcon, một công ty nổi tiếng của Ý về cơ khí chính xác, thiết kế và chế tạo. Cùng với việc quan sát các hiện tượng thiên văn, hệ kính này có thể giúp tìm kiếm thiên thể gần Trái đất, nghiên cứu khí quyển (bề dày, mây, mù), đo phổ vạch của các sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao, đo vận tốc xuyên tâm của sao chủ để tìm kiếm ngoại hành tinh.

Nguyệt thực vào rạng sáng mai sẽ kéo dài từ 1h43 đến 7h17. Tại Việt Nam có thể quan sát từ 1h43 cho đến 5h28 khi Mặt Trăng lặn. Cụ thể, từ 1h43 Mặt Trăng bắt đầu đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, đến 3h01, nguyệt thực một phần bắt đầu, Mặt Trăng dần chuyển đỏ. Đến 04h30, nguyệt thực đạt cực đại, Mặt Trăng đỏ đậm.

quan sát nguyệt thực 17 tháng 7 - ảnh 1Photo: ..

Với những người không có cơ hội chiêm ngưỡng qua kính thiên văn vẫn có thể theo dõi nguyệt thực một phần bằng mắt thường. Người quan sát nên chọn nơi thoáng đãng, ít ánh sáng đèn và bụi. Lưu ý, xem dự báo thời tiết trước khi diễn ra sự kiện.

Tại Đài thiên văn Hòa Lạc, cùng với việc quan sát hiện tượng thiên văn, các bạn trẻ cũng có cơ hội khám phá vũ trụ huyền bí, bao la qua nhà chiếu hình vũ trụ. Nhà chiếu hình vũ trụ ở Hòa Lạc có quy mô với 100 ghế ngồi, được thiết kế giống như một rạp chiếu phim nhưng với màn hình dạng mái vòm. Những hình ảnh cũng như những thước phim sẽ được trình chiếu lên mái vòm bởi hệ thống 6 máy chiếu độ phân giải cao mang lại hiệu ứng 3D chân thực về bầu trời và các vì sao, đem lại cho người xem trải nghiệm như đang bay vào vũ trụ.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, việc tổ chức quan sát nguyệt thực lần này là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động khám phá kiến thức thiên văn học từ những phương pháp đơn giản, gần gũi nhất song song với việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhất, nhằm khơi dậy niềm yêu thích khoa học vũ trụ và truyền cảm hứng cho tất cả các em học sinh, sinh viên.

Việc xây dựng Đài thiên văn Hà Nội cũng nhằm hướng đến việc phổ biến kiến thức khoa học cho cộng đồng, khởi dậy niềm đam mê yêu thích khoa học nói chung, niềm đam mê vũ trụ nói riêng cho các bạn trẻ.

Related Posts: