Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

Ba kịch bản tăng trưởng và đề xuất hỗ trợ nền kinh tế

Ba kịch bản tăng trưởng 
Sau khi căn cứ số ca nhiễm, số lượng người phải cách ly ở Việt Nam và sử dụng các mô hình định lượng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra 3 kịch bản dịch bệnh tác động tới nền kinh tế. Theo đó, các kịch bản gồm: Đại dịch COVID-19 kéo dài đến cuối tháng 4/2020, đến cuối tháng 5/2020 và đến cuối tháng 6/2020.
“Chúng tôi dự báo GDP quý 2 năm nay chỉ tăng khoảng 2% so với quý 2 năm 2019, chỉ số VnIndex giảm khoảng 28%, xuất khẩu giảm khoảng 25%. Từ quý 3 năm nay, nếu dịch bệnh được khống chế, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi”, các chuyên gia kinh tế của ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá.
Theo tính toán, ở kịch bản dịch kết thúc vào cuối tháng 4/2020, các lĩnh vực thương mại hàng hóa suy giảm 20-30%; dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng trên 25%; du lịch, khách sạn suy giảm 15-20% khách nội địa và quốc tế, giảm doanh thu 20%, việc làm giảm 15-20%; nông nghiệp suy giảm 2,8-27% theo từng mặt hàng; bất động sản suy giảm mảng cho thuê, nghỉ dưỡng. Kịch bản dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 6/2020, các ngành kinh tế sẽ giảm thêm 10-20% so với dịch kết thúc vào tháng 4/2020.
Trước đó, từ cuối năm 2019, Bộ KH&ĐT đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 với dự kiến mức tăng 6,8%. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, bộ này đã điều chỉnh các kế hoạch tăng trưởng GDP. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, đại dịch COVID-19 đã tạo ra cơn “bão lốc” cực mạnh cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Các ngành kinh tế chủ lực xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…đều giảm sâu. Nhiều ngành khác phải cắt giảm sản xuất do nguồn cung nguyên liệu bị cắt đột ngột.
Tổng cục Thống kê cũng đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020.  Theo đó, kịch bản 1 dự kiến dịch COVID-19 kết thúc trong quý 2/2020, GDP quý 2 sẽ giảm khoảng 2,79%, quý 3 giảm 1,13%, quý 4 giảm 0,1% và cả năm giảm 1,47% so với dự báo trong điều kiện bình thường. Kịch bản 2, dịch kết thúc trong quý 3/2020, dự kiến GDP quý 2 sẽ giảm khoảng 2,8%, quý 3 giảm 1,4%, quý 4 giảm 0,7%. 
Ông Lâm dự báo, từ tháng 4/2020, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu đã cạn, không thể ký kết hợp đồng mới, không thể xuất khẩu hàng hóa do dịch bệnh bùng phát ở khắp các châu lục, khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới đã tạm ngưng hoạt động xuất, nhập khẩu.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 
Để tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt mục tiêu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những động lực quan trọng. Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 3/2020, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 61.591 tỷ đồng, bằng 13,1% kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt 11,2% kế hoạch). 

“Tính toán của Tổng cục Thống kê,  giải ngân thêm 1% kế hoạch vốn đầu tư công giúp GDP tăng trưởng 0,06 phần trăm. Nếu năm  2020 giải ngân 100% kế hoạch vốn, GDP sẽ tăng thêm 0,42 - 0,54 phần trăm và kéo theo hàng loạt ngành liên quan cả trực tiếp lẫn gián tiếp tăng trưởng, nhất là sản xuất vật liệu xây dựng”, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) cho biết. 
Ông Phong nhấn mạnh, khi vốn khu vực nhà nước được khơi thông sẽ kéo theo nguồn vốn của khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, ba năm trở lại đây, đầu tư công không có dự án mới là điều rất đáng lo ngại. Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như các dự án mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020... không được để chậm trễ như vừa qua. 
“Đó đều là các dự án có mục tiêu tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng của nền kinh tế cho nên cần thúc đẩy tiến độ. Nếu lãnh đạo các bộ, ngành chủ động đi tìm các nút thắt, tìm cách gỡ thay vì ngồi đợi làm theo đúng quy trình thì sẽ tìm được giải pháp”, ông Cung đề xuất.
Là một trong những đơn vị có nhiều dự án đầu tư công bị vướng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kiến nghị, việc xây dựng những cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các công trình lớn, trong đó ưu tiên công trình trọng điểm, cấp bách như điện, giao thông. 
Theo các chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam cần chủ động xây dựng các kịch bản chính sách kinh tế ứng phó khác nhau tùy theo thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch. 
Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc chỉ kéo dài đến hết quý 2 thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ” như: tạm thời kéo dài thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp cho hộ gia đình. Hỗ trợ chính sách tiền tệ, tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đầu tư công toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam: Chậm giải phóng mặt bằng sẽ cản tiến độ

Chính phủ xác định chuyển làm các đoạn, tuyến của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư theo hình thức BOT sang đầu tư công là một trong các giải pháp để dùng ngân sách kích thích nền kinh tế, góp phần giảm thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra. Do đó, tiến độ giải ngân vốn cho các dự án này là vấn đề quan trọng. Tổng vốn đầu tư toàn tuyến là hơn 118.000 tỷ đồng.

Đảm bảo điện phòng, chống dịch COVID-19 khu vực Miền Nam

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết các đơn vị đang tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Hóa đơn tiền điện sinh hoạt ở nhiều nơi tăng cao, EVN nói gì?

Theo EVN, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3 tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, điện sinh hoạt ở Hà Nội tăng 17%, TP.HCM tăng 13%. Các công ty sẽ phúc tra hóa đơn điện nếu người dân yêu cầu. EVN cũng cho hay sẽ giảm tiền điện trong mùa dịch cho người dân ngay khi cơ quan chức năng có hướng dẫn thực hiện.

Chuẩn bị đón tàu metro về chạy thử ở TPHCM

Các đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành Suối Tiên) đã sản xuất xong, đang chạy thử nghiệm tại Nhật Bản trước khi được đưa về vận hành thử nghiệm tại TPHCM trong năm 2020.

Related Posts: