Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

Ông Trump có thể dùng lại chiến tranh thương mại để buộc Trung Quốc trả giá cho COVID-19

Giới chức Mỹ, trong đó có ông Trump, đang khua chiêng gõ trống về khả năng làm mới cuộc chiến thương mại với Mỹ, gây kinh ngạc cho các thị trường toàn cầu vốn đã hứng chịu những tổn thất kinh tế chưa từng thấy do đại dịch COVID-19 gây ra. 
Thị trường chứng khoán trên khắp châu Âu mở cửa với mức thấp hơn trong ngày 4/5, tiếp nối là thị trường New York, vì giới đầu tư sợ rằng nỗ lực của chính quyền Trump nhằm buộc Trung Quốc chịu lỗi cho tình trạng virus lây lan sẽ dẫn đến việc làm sống lại các chính sách trả đũa thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuộc chiến thương mại đó đã kìm hãm tăng trưởng toàn cầu trong các năm 2018 và 2019 trước khi trở nên dịu bớt trong đầu năm nay, sau khi hai bên ký thoả thuận giai đoạn 1. 
Tuần trước, các quan chức Mỹ nhắc đến ý tưởng áp dụng lại chính sách tăng thuế với hàng Trung Quốc để buộc nước này “chịu trách nhiệm” vì đã thất bại trong việc ngăn dịch bệnh lây lan ra thế giới. Hôm 3/5, ông Trump nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng ông đang cân nhắc khôi phục các chính sách thuế, cái ông gọi là “hình phạt cuối cùng” và doạ sẽ quay lưng với thoả thuận thương mại giai đoạn 1. 
Cũng trong ngày hôm đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục chỉ trích Trung Quốc, nói rằng nước này “có lịch sử lây bệnh cho thế giới”, làm dấy lên lo ngại cuộc đối đầu do COVID-19 sẽ dẫn đến hành động của Mỹ khiến cuộc chiến thương mại nóng trở lại. 
Derek Scissors, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng hiện nay ông Trump vẫn muốn việc giữ thoả thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc, cho dù những lợi ích kinh tế của nó trở nên mờ nhạt trong thời kỳ đại dịch tàn phá. Nhưng khi tăng tốc chiến dịch tái tranh cử, ông “sẽ quay sang Trung Quốc, sẽ phải làm chính trị, nhưng chúng ta sẽ nhận được các chính sách tào lao”, ông Scissors nói. 
Các quan chức Nhà Trắng đã tính đến nhiều cách làm, từ việc cho vỡ nợ khoản tiền Mỹ nợ Trung Quốc để khiến Trung Quốc đối mặt với các vụ kiện, dẫn đến việc các nhà cung cấp chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, khi Nhà Trắng đang tập trung buộc tội Trung Quốc gây ra khủng hoảng y tế toàn cầu, chính quyền Mỹ vẫn chưa tìm ra cách thực tế nào để khiến Bắc Kinh trả giá. 
“Chúng ta không có công thức chính sách nào có thể dẫn dến bất kỳ điều gì hữu ích. Chúng ta thấy những nhân vật diều hâu vây quanh các kế hoạch, nhưng không ai thực sự giúp ông Trump hiểu về bất kỳ thứ gì ngoài chuyện thuế”, ông Scissors nói. 
“Tôi có thể hiểu lý do vì sao Tổng thống có thể muốn quay lại cuộc chiến thuế để chỉ ngón tay về phía Trung Quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đồng ý việc tăng thuế là cách đúng hay cách tốt nhất để đạt được mục tiêu đó”, George Magnus, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại ĐH Oxford, nói với tạp chí Foreign Policy. 
Trong thập kỷ qua, tư tưởng không ưa các chính sách thương mại của Trung Quốc gia tăng trong dư luận Mỹ, vì Bắc Kinh bị cho là có lỗi khiến ngành công nghiệp của Mỹ teo tóp và Bắc Kinh có cách cạnh tranh không công bằng. COVID-19 càng nâng cơn giận dữ đó lên cao hơn, đặc biệt trong năm bầu cử. 
“Tôi nghĩ mọi người không nhận ra khía cạnh chính trị của điều này – Trung Quốc bị gắn với COVID-19, và COVID-19 quan trọng hơn bất kỳ chính sách đối ngoại nào kể từ chiến tranh ở Việt Nam”, ông Scissors nói. 
Ngoài cách tăng thuế, chính quyền Mỹ chưa tìm ra cách làm nào có thể hiệu quả hơn trong việc buộc Trung Quốc phải trả cái giá hợp lý cho Mỹ. 
Mỹ tăng thuế trở lại chắc chắn sẽ gây thương tổn cho Trung Quốc khi nước này đang phải hứng chịu sự sụt giảm trong nhu cầu mua hàng trên toàn cầu cũng như tiêu dùng trong nước. Mùa xuân này, các lãnh đạo chính trị Trung Quốc đặc biệt chú ý đến việc ổn định thương mại toàn cầu và duy trì các chuỗi cung ứng hiện tại, cho thấy Bắc Kinh hiểu họ có nguy cơ tổn thương trong thương mại.
Theo các chuyên gia, dù ông Trump thường dùng thuế như vũ khí tấn công các nước khác, nhưng có 3 vấn đề lớn nếu ông dùng cách này như công cụ chính để bắt Trung Quốc trả giá vì COVID-19. 
Trước tiên, lượng hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm mạnh, nên việc tăng thuế sẽ khó tạo ra khác biệt lớn trong quan hệ thương mại song phương. 
Thứ hai, thuế là cách ép Trung Quốc chấp nhận nhượng bộ cụ thể nào đó, như mua thêm hàng Mỹ, dẹp bỏ tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ hoặc tương tự. Việc áp thuế để trừng phạt Trung Quốc vì vai trò của nước này trong đại dịch COVID-19 sẽ không phục vụ được mục đích lớn hơn. 
Cuối cùng, đợt áp thuế đầu tiên trong năm 2018 và 2019 được triển khai khi kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt, khi người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể chịu được mức giá mua hàng cao hơn. Hiện nay, khi tăng trưởng GDP giảm xuống mức thấp chưa từng thấy và hàng chục triệu người đột nhiên mất việc làm, cái giá cao hơn mà doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải trả sẽ gây tổn hại cho chính họ.
Trải nghiệm đau thương của Trung Quốc khi đang nỗ lực khôi phục hoạt động kinh tế sau mấy tháng phong toả cho thấy những khó khăn mà Mỹ cũng sẽ phải đối mặt sau khi dỡ phong toả, ông Magnus nhận định. 

Theo Foreign Policy