Theo báo cáo từ Reuters, đợt triệu hồi 7 triệu chiếc xe toàn cầu này có thể khiến nhà sản xuất của Mỹ phải tiêu tốn 1,2 tỷ USD (hơn 27 nghìn tỷ đồng), điều này được ước tính bởi GM và thông báo vào thứ hai (23/11).
Trong đó, yêu cầu được Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ Hoa Kỳ (NHTSA) đưa ra với GM, thông báo hãng phải triệu hồi 5,9 triệu chiếc xe bán tải và SUV các đời từ năm 2007 đến 2014 vì các cụm bơm khí "có nguy cơ phát nổ sau thời gian dài tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm cao tương đương những cụm bơm khí Takata bị triệu hồi khác". Ngoài ra, GM cũng sẽ triệu hồi 544.000 chiếc xe tại thị trường Canada.
Nhà sản xuất của Mỹ cho rằng các đợt triệu hồi này không cần thiết vì chúng không gây rủi ro về an toàn.
Vào ngày 23/11, GM vẫn khẳng định "đợt triệu hồi các xe này không được chứng thực dựa trên hồ sơ khoa học và thực tế" nhưng họ "sẽ vẫn tuân theo quyết định của NHTSA và bắt đầu thực hiện các bước cần thiết".
Lỗi túi khí Takata này đã dẫn đến vụ triệu hồi ôtô lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ với 63 triệu cụm bơm khí. Trên toàn thế giới, đã có khoảng 100 triệu cụm bơm khí của 19 nhà sản xuất ôtô lớn đã bị triệu hồi.
Đợt triệu hồi bao gồm các mẫu: Cadillac Escalade, Chevrolet Silverado, Chevrolet Suburban, Chevrolet Tahoe, GMC Sierra và GMC Yukon được sản xuất trong thời gian 8 năm từ 2007 đến 2014.
Túi khí Takata đã gây ra 18 vụ tử vong tại Mỹ.
Tổng cộng, 18 người đã tử vong liên quan đến lỗi túi khí Takata chỉ tính riêng ở Mỹ, tuy nhiên chưa có vụ nào được gây ra bởi ôtô của GM. Trong đó, 15 trường hợp xảy ra trên xe của Honda, 2 trường hợp trên xe Ford và 1 trên xe BMW, tính từ năm 2009.
GM đã đệ đơn để tránh phải triệu hồi lần đầu tiên vào năm 2016 trong khi NHTSA cho biết họ chỉ đưa ra 1 ngoại lệ duy nhất trong gần 30 năm và đây là "một khiếm khuyết không ảnh hưởng đến an toàn của phương tiện cơ giới" và "trong một số hoàn cảnh rất khác".
Nhà sản xuất Mỹ lập luận rằng 5,9 triệu xe này rất khác biệt so với các loại ôtô với cụm bơm khí Takata khác. GM ước tính rằng đã có 66.894 túi khí Takata được bung ra trong số những chiếc xe đó nhưng chưa có báo cáo tai nạn nào.
Peter Prieto, một luật sư đại diện cho người tiêu dùng trong vụ kiện Takata, cho biết quyết định này "chứng tỏ những cụm bơm khí Takata của GM không phải là duy nhất hay đặc biệt. Các cụm bơm khí của GM cũng có cùng nguy cơ phát nổ và gây hại nghiêm trọng cho người ngồi trên xe như tất cả các cụm bơm khí Takata khác".
Theo Reuters