Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Lớp học vượt qua nỗi buồn

20 người được chọn đang “rất có vấn đề về tâm lý” đã có nguyên hai ngày để “tìm ra lối thoát”, 5 người trong số họ nói rằng, sau đó họ bỏ qua ý nghĩ tự tử.

Nhiều người “buồn không muốn sống”!

Xuất phát từ một nhóm bệnh nhân trầm cảm vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai bác sĩ tâm lý và hai nghệ sĩ đã cùng nhau làm một dự án hỗ trợ miễn phí những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, cụ thể họ đều đang ở trong tình trạng “buồn mức năm sao”, một số có ý định tự sát.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Đỗ Hải An (tốt nghiệp khoa tâm lý ĐH Aix – Marseille, Pháp) cho biết: “Không ngờ số người “buồn không muốn sống” xung quanh tôi lại nhiều đến thế. Chúng tôi nhận được 235 đơn đăng ký chỉ trong 2 tiếng sau khi thông báo tuyển người. Những nỗi buồn vô cùng đa dạng: thất nghiệp, thất tình, phá sản, bị phản bội, bị bệnh v.v... loại nào cũng có. Theo thang điểm chúng tôi tạm chấm, thì mức độ tự đánh giá của học viên cũng rất đáng ngại: hơn 80% ở mức năm sao (tức mức cao nhất) chia đều cho mọi lứa tuổi, không chỉ người trẻ.”

Lớp học vượt qua nỗi buồn - ảnh 1 Một bài tập thả lỏng 

Trần Thị V. (23 tuổi, Hà Nội) tìm đến lớp học bởi vì: “gần đây tôi phát hiện bố mình có người khác bên ngoài, hơn nữa còn có con. Mẹ tôi bị bệnh nan y, mấy chị em tôi phải vừa đi học vừa chăm sóc mẹ. Thương mẹ, hận bố nhưng tôi không biết phải giải quyết vấn đề này như thế nào. Tôi nghĩ là mình sắp chết”.

Bác Lê Việt H. (65 tuổi, Bắc Ninh) là học viên cao tuổi nhất lớp cho biết: “nhà tôi có bốn anh chị em, hiện tôi thọ nhất, ba người còn lại đều đã mất vì ung thư. Trước đó, mẹ tôi cũng mất vì ung thư. Hiện tại tôi sống trong sợ hãi, không biết tử thần sẽ gọi mình lúc nào. Nghĩ đến những cơn đau rã rời của anh chị em khi bị bệnh là tôi chỉ muốn buông xuôi, tốt nhất là dùng thuốc ngủ liều cao để chết trước khi bệnh phát”.

Bạn nam Trịnh Vũ T. (25 tuổi, Hà Nội) vừa trải qua cảm giác bị người yêu 5 năm dứt tình. “Tôi gần như suy sụp hoàn toàn, không ăn, không ngủ được, ngực hay bị đau thắt từng cơn và chả muốn làm gì cả. Tôi đã nghỉ việc hai tháng rồi”.

Lê Đình S. (30 tuổi, Hà Nội) viết trong tờ đăng ký: “Công ty du lịch của tôi phá sản vì Covid, đó là tâm huyết suốt 6 năm của tôi. Giờ tôi không chỉ tay trắng, còn gánh nợ ngân hàng. Tôi có thể hiểu vì sao một số người muốn nhảy lầu vì phá sản. Tôi cũng đã nhiều lần muốn làm như thế”.

Thạc sĩ phát triển cộng đồng Trịnh Lê Ngân (ĐH New Hampshire Carsey, Mỹ) chia sẻ: “Cuộc sống thành thị với những deadline liên tục tạo ra rất nhiều áp lực về tinh thần. Số người trẻ bị trầm cảm ngày một đông hơn. Đa số chúng ta chưa biết làm cách nào để thoát ra. Nhất là trong điều kiện tham vấn tâm lý ở Việt Nam chưa phổ biến. Tôi biết một số ca tự tử đáng tiếc đã xảy ra vì người trong cuộc không biết cách vượt thoát khỏi những rắc rối tâm lý của họ. Tất nhiên, ngay ở Mỹ tình trạng này cũng không hiếm. Song nếu chúng ta biết cách, có thể những rắc rối ấy sẽ được hóa giải”.

Sự thật là chẳng cách nào diệt được nỗi buồn!

Một thông tin rất bất ngờ của lớp học “Vượt qua nỗi buồn” khiến nhiều học viên ngỡ ngàng đó chính là lời khẳng định của bác sĩ tâm lý Trần Hà Trang: sự thật là chẳng có cách nào diệt được nỗi buồn đâu, vì nó chính là một phần của cuộc sống, cũng giống như niềm vui vậy. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là chấp nhận nó. Nỗi buồn nào rồi cũng sẽ qua giống như mọi cảm xúc khác. Có sinh ắt có diệt!

Hơn nửa lớp ồ lên vì phát ngôn này. Nhiều học viên cho rằng, họ đến đây để tìm một giải pháp “tiêu diệt”, vượt thoát, chấm dứt... nỗi buồn. Đa phần đều khẳng định, họ đã sống với nó (nỗi buồn) đủ lâu và không còn muốn tiếp tục bị cảm xúc tiêu cực này dìm nhấn nữa.

Nghệ sĩ múa Tiên Phạm kể một trải nghiệm cá nhân: Khi cô thất tình ở Đức, giữa mùa đông âm 25 độ và không có bạn bè, người thân nào để chia sẻ, cô đã nghĩ mình sẽ ngồi trong phòng không bật lò sưởi và cứ thế chết cóng đi. “Cảm giác không thể tệ hại hơn, tôi không hiểu vì sao ngày hôm trước hai đứa còn rất mặn nồng, gắn bó, hôm sau đã giống như người chưa từng liên quan. Tôi nhớ từng cái ôm, nụ hôn và câu nói của anh. Tôi cứ nghĩ sau này mình sẽ không thể gặp một người đàn ông tốt hơn thế nữa. Và rằng có thể là tôi quá tệ, đến mức anh không còn muốn gắn bó”. Những lời kể ngắn gọn của Tiên đã đem đến khá nhiều nước mắt của mấy cô gái cùng cảnh ngộ.

Cách tự cứu sau đó của Tiên gần giống bài tập của bác sĩ Trang: “Tôi được một người quen rủ đi nghe một sư thầy giảng pháp. Lúc đó, tôi hỏi vấn đề của mình, thầy nói rằng: nếu con đang buồn, thì không có cách giải quyết triệt để nào bằng việc để cho nỗi buồn ấy đi đến tận cùng của nó. Quan sát, lắng nghe và học cách chấp nhận nó, không bình phẩm, suy diễn và đừng tìm cách chối bỏ, chống lại hay tiêu diệt. Bởi càng chống lại, cảm xúc tiêu cực sẽ càng bành trướng. Rồi đến lúc nỗi buồn sẽ tự đi, giống như có ngày vui nào mà không tàn vậy”. Tiên kết luận, vị sư thầy khoác áo cà sa ấy chính là bác sĩ tâm lý đầu tiên của cô. Bằng cách lắng nghe và chấp nhận “buồn cho hết”, Tiên đã một mình vượt qua cửa ải khó khăn ấy.

Một thực hành rất đáng được kể lại: khi các học viên tìm cách chấp nhận và quan sát nỗi buồn, họ được chọn nhiều cách: viết ra, kể lại, ngồi im lắng nghe bản thân, thậm chí hát một khúc “Mal” (Cơn đau tình ái – bản nhạc nổi tiếng của Christophe) hoặc chuyển động theo cảm xúc... Khi các hành động kìm nén nỗi buồn được cởi bỏ, nhiều người lặng lẽ khóc. Quá trình này kéo dài suốt một buổi chiều, sau đó, học viên có cả một đêm để làm quen với việc thành thực với cảm xúc của mình.

“Đừng quên là bạn được phép buồn, được phép thất bại, được phép yếu mềm... Ai ai cũng là một cá thể bất toàn. Đừng xấu hổ vì điều ấy. Trong trường hợp không muốn những cảm xúc của mình ảnh hưởng đến người xung quanh, vậy thì hãy tìm một không gian đủ an toàn, chỉ có mình bạn với bạn. Khi đã nhìn rõ cơ chế vận hành của nỗi buồn, bạn sẽ không bị mất bình tĩnh”, bác sĩ Trang hướng dẫn.

Cứu tinh duy nhất

Một bất ngờ khác của lớp học nằm ở lời khẳng định của hai bác sĩ tâm lý: xét cho cùng, cứu tinh duy nhất đáng tin cậy và đủ sức mạnh để cứu bạn khỏi những cơn đau tâm lý chỉ có bản thân bạn mà thôi!

Lê Thu T. (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “sau một ngày thực hành các bài tập thả lỏng cảm xúc, tôi thấy khá hơn nhiều. Tôi cũng bắt đầu nhận ra, trước đây thần kinh mình khủng hoảng là vì mình cứ phải giả vờ là đang ổn. Tôi không dám nói “tôi buồn” khi ai đó hỏi: cậu ổn không”?

Anh Lê Đình S. viết thu hoạch: “30 tuổi tôi học được bài học là không cần phải quá khó khăn, dằn vặt bản thân nếu thấy buồn. Cũng không cần đánh giá, chỉ trích bản thân vì những cảm xúc đó”.

Cô gái 19 tuổi, Nguyễn Hà M. (Hà Nội) còn làm được cả một bài thơ về mối tình tan vỡ của mình: “Không chờ nữa/ Ném anh vào kho ký ức/ Đóng chặt lại/ Chôn chìa khóa xuống đất/ Rồi một ngày/ Chỗ ấy mọc lên / Cái cây em đặt tên là nhớ”.

Đây là kết quả của một trong những cách các tình nguyện viên hướng dẫn học viên bộc lộ cảm xúc. Họ có thể làm thơ, kể chuyện, sáng tác nhạc, múa hay vẽ gì đó. Những tác phẩm ấy đa phần đều diễn tả cảm xúc, tâm trạng của học viên “ngay lúc này”.

“Việc viết ra được những cảm xúc, suy nghĩ của mình là một cách đơn giản để xác định xem đâu là nguyên nhân của nỗi buồn thường trực. Trong cuộc sống, luôn có những nỗi buồn phụ thuộc vào tình huống cụ thể. Loại này dễ giải quyết nhất. Chúng tôi khuyến khích học viên ghi lại hoàn cảnh, tình huống khiến họ thấy buồn, ví dụ như vì công việc quá áp lực, tài chính khó khăn, tình yêu không như ý... Điều này có thể giúp họ tự tìm ra những giải pháp để thay đổi tình hình”. Bác sĩ Hà Trang cho biết.

Thạc sĩ Trịnh Lê Ngân giải thích thêm về cách trị liệu nỗi buồn của lớp học: “Sau khi đã nhận biết và chấp nhận nỗi buồn, chúng tôi sẽ hướng dẫn học viên một số bài tập để giải phóng năng lượng tiêu cực. Chúng ta thường sẽ cảm thấy khá hơn khi vận động, bởi vì vận động lành mạnh thường tiết ra edorphin – một loại hoocmon khiến người ta hưng phấn. Ban đầu có một số người chỉ muốn nằm im. Chúng tôi thường bắt đầu bằng những bài nhảy múa nhẹ nhàng theo bài tập của thạc sĩ trị liệu chuyển động Bùi Tuyết Minh. Cường độ có thể tăng dần và thậm chí có những cuộc thi nhỏ để tăng kích thích. Xen kẽ, chúng tôi sẽ cùng xem phim hài, và làm một số bài tập thủ công”.

“Đối với bạn bè, người thân của người đang có vấn đề tâm lý (buồn, sốc...) thì cách ứng xử tốt nhất cũng là không xâm nhập cảm xúc của người khác. Hãy để mọi người trải qua những gì họ phải trải qua trong thời điểm hiện tại. Hãy để họ khóc, la hét, gầm thét, cười, tự ti nếu đây là cách họ phải làm. Chống chỉ định dùng những câu động viên kiểu như: đừng buồn, cố lên, nén bi thương!!! Đừng nên cố gắng làm điều gì cho họ ngoại trừ việc “ở ngay cạnh khi họ cần”.

Trên thực tế, những gì có vẻ như hỗn loạn và tan rã có thể là sự giải phóng cần thiết để cơ thể tổ chức lại cả một hệ thống đang bị tắc nghẽn”. (Thạc sĩ Nguyễn Đỗ Hải An)

Let's block ads! (Why?)