Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Thủ tướng cắt băng thông xe nút giao Vành đai 3 - Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

          Tại lễ thông xe, ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (Ban Giao thông) cho biết, dự án nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được thành phố Hà Nội tổ chức khởi công tháng 2/2020 với mục tiêu xây dựng nút giao đường Vành đai 3 với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoàn chỉnh theo quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời tạo điều kiện cho các phương tiện tham giao giao thông kết nối ra vào nút giao được thuận lợi, an toàn, rút ngắn hành trình và đồng bộ mạng lưới đường giao thông trong khu vực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường Vành đai, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Sau gần 1 năm thi công đến nay dự án đã hoàn thành và thông xe, vượt tiến độ gần 2 tháng. “Việc thông xe dự án còn có ý nghĩa hơn khi công trình hoàn thành đúng dịp Thành phố đang tập trung chuẩn bị tốt kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu”, ông Tuấn nói.

Thủ tướng cắt băng thông xe nút giao Vành đai 3 - Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - ảnh 1 Thủ tướng và lãnh đạo Hà Nội, Bộ GTVT các đơn vị có liên quan đi bộ trên nút giao vừa hoàn thành. Ảnh: T.Đảng

Theo ông Tuấn, trước đó, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ thi công đến địa bàn huyện Gia Lâm rồi dừng lại, chưa xây dựng nút giao hoàn chỉnh để kết nối thuận lợi với đường Vành đai 3 và đường Cổ Linh vào trung tâm Hà Nội. Trước thời điểm năm 2020, nhà đầu tư VIDIFI và Bộ GTVT chưa bố trí được vốn để triển khai hoàn thiện toàn bộ nút giao theo quy hoạch, trong khi đường cao tốc chạy đến cửa ngõ Hà Nội không có đầy đủ các nhánh kết nối theo quy hoạch nên phương tiện phải đi vòng bằng đường nhánh, gây xung đột lớn về giao thông.

Trước tình trạng này, thành phố Hà Nội đã thống nhất với Bộ GTVT và các bộ ngành được sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án xây dựng hoàn chỉnh nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cùng các Sở Ngành có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để nhanh chóng triển khai khởi công và phải tập trung thi công rất quyết liệt nhằm sớm hoàn thành nút giao này.

Ban Giao thông được thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án, nội dung chính của dự án là: làm tiếp đường trực thông nối đường cao tốc với đường Cổ Linh (vào trung tâm thành phố) rộng 8 làn xe, xây 5 nhánh (đường ram) kết nối và xây dựng mới 3 cầu vượt nằm trên đường Vành đai 3 để vượt nút giao Cổ Linh.

Để dự án đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, sáng nay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và đại diện Bộ GTVT đã cắt băng thông xe dự án. Theo ghi nhận, sau lễ thông xe, thay vì phương tiện từ trung tâm thành phố ra cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại phải đi vòng, gây ra nhiều xung đột, ùn tắc giao thông, từ sáng 9/1, phương tiện được đi thẳng qua nút giao.

          2.500 tỷ đồng xây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Cũng trong sáng 9/1, thành phố Hà Nội và chủ đầu tư đã làm lễ khởi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (cầu Vĩnh Tuy 2). Ban Giao thông được giao làm chủ đầu tư dự án với thời gian thực hiện từ 2021 đến 2023. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.538 tỷ đồng, nguồn ngân sách thành phố Hà Nội.

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đóc Ban Giao thông cho biết, sau khi hoàn thành sẽ tạo thành cây cầu có bề rộng lớn nhất trên địa bàn Thủ đô (40,5m) với 2 hợp phần cầu nằm song song cách nhau 2m, được tổ chức giao thông đồng bộ 1 chiều cho mỗi bên.

“Dự án giúp hoàn thiện trục giao thông kết nối thông suốt về giao thông và giao thương kinh tế giữa khu vực phía đông Nam với khu vực phía đông Bắc thành phố - vốn đang ngăn cách bởi sông Hồng, đồng thời cũng tăng khả năng đi lại, giao thương giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh khu vực phía Bắc và Đông Bắc giữa Khu vực các tỉnh miền Trung, Miền Nam với các cảng biển phía Bắc; tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cho quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên và thủ đô Hà Nội”, ông thông tin.

Thủ tướng cắt băng thông xe nút giao Vành đai 3 - Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - ảnh 2 Lễ khởi công cầu Vĩnh Tuy 2.

Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy 2 có chiều dài 3,4 km, cầu có độ cao so với mặt nước sông là 11 mét, đảm bảo độ tĩnh không cho tàu, thuyền lưu thông an toàn. Mặt cắt cầu 4 làn xe: 2 làn xe ô tô, 1 làn đường xe buýt và 1 làn xe thô sơ.

Với thiết kế này, cầu Vĩnh Tuy 2 là cầu đầu tiên tại Hà Nội có chia làn đường dành riêng cho xe buýt. Dầm cầu được thiết kế gồm 8 nhịp cầu cầu chính đúc hẫng cân bằng (955m), 44 nhịp cầu Super T (1758m), 3 nhịp cầu đúc hẫng cân bằng vượt đê Tả Hồng (200m), 6 nhịp cầu dẫn dầm bản rỗng đúc trên đà giáo (210m), trụ bê tông cốt thép, móng cọc khoan nhồi bê tông cốt thép… Ngoài vận hành an toàn, các thông số thiết kế trên còn giúp cầu Vĩnh Tuy 2 chịu được mức độ động đất cấp 8.  

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, công trình cầu Vĩnh Tuy 2 được xác định là dự án giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội, ngoài giảm ùn tắc giao thông cầu còn có nhiệm vụ hoàn thiện phát triển hạ tầng khung, hoàn thành đồng bộ xây dựng dự án đường Vành đai 2.

Ông yêu cầu chủ đầu tư cần giám sát, quản lý đảm bảo các yêu cầu đặt ra cho dự án, trong đó có chất lượng, tiến độ và không làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại, cuộc sống của người dân trong khu vực. Với các nhà thầu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị, sau sau lễ khởi công cần bắt tay thi công ngay các hạng mục, do là công trình trọng điểm, cấp bách nên phần đấu hoàn thành vượt tiến độ đặt ra.

Let's block ads! (Why?)