Khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
Theo TTXVN ngày 9/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021.
Năm 2020, ngành Nội chính Đảng đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Đảng triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, định hướng lớn, từng bước hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp. Toàn ngành đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và cấp ủy địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, là “đầu mối”, “khâu nối” giúp Ban Chỉ đạo điều hòa, phối hợp, huy động lực lượng trong phòng, chống tham nhũng và phát hiện, xử lý tham nhũng; chủ động tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo xử lý 128 vụ án, 91 vụ việc, trong đó 74 vụ án/667 bị cáo đã được đưa ra xét xử sơ thẩm. Năm 2020 đã phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý 65 vụ án, 24 vụ việc, trong đó đã xét xử sơ thẩm 20 vụ án/115 bị cáo.
Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã chú trọng tham mưu cấp ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thi đua “Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và tham mưu xử lý các vụ án tham nhũng, các hành vi tham nhũng vặt”. Từ đó, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, được chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm, khắc phục dần tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Trong nhiệm kỳ XII, ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cấp ủy địa phương chỉ đạo xử lý 1.819 vụ việc, vụ án.
Khắc phục các kẽ hở để “không thể tham nhũng”
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà toàn ngành Nội chính Đảng đã đạt được thời gian qua. Những thành tựu mà Đảng ta, đất nước ta đạt được có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan Đảng trong đó có ngành Nội chính Đảng.
Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, tình hình tội phạm trong đó có tội phạm tham nhũng, kinh tế vẫn diễn ra tinh vi, phức tạp, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, ngành Nội chính Đảng cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị, ngành Nội chính Đảng cần tập trung nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội Đảng bộ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Toàn ngành tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời khắc phục những bất cập, những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tài sản, thu nhập, xử lý tài sản bất minh của cán bộ, công chức, viên chức...
Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: “phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, ngành Nội chính Đảng phải tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, để công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục là dấu ấn nổi bật và có bước đột phá mới trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Trước mắt, toàn ngành tập trung tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở.