Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

Về thắp nén nhang cho các liệt sĩ ở Vị Xuyên

Suốt tháng 7, con đường đèo hiểm trở dẫn đến đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468 (thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) luôn tấp nập người và xe. Đó là các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên tới thăm vong linh của những đồng đội năm xưa. Trước màu xanh của áo lính đang phủ kín đài tưởng niệm, màu xanh của rừng núi xung quanh điểm cao 468 bỗng trở nên nhạt nhoà.

Về thắp nén nhang cho các liệt sĩ ở Vị Xuyên ảnh 1

Các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên đang thắp nhang tưởng nhớ những đồng đội của mình

Điểm cao 468 cùng các điểm cao lân cận như 685, 772, 1509… là nơi chiến sự diễn ra ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.

Dù vậy, những người lính Vị Xuyên nào có chùn bước. Lớp trước ngã xuống, lớp sau lại tiến lên, đem máu thịt của mình hoà lẫn cùng đất, đá nơi “địa ngục đá vôi” này. Cái chết với họ chỉ nhẹ bẫng như không, giống như hai câu thơ nổi tiếng của đại thi hào Nga Aleksandr Pushkin: “Coi cái chết náu rình/Với hồn mình gần gụi”.

“Lần nào về đây, tôi cũng cảm giác như được linh hồn của các đồng đội ôm ấp, vỗ về. Tưởng như các anh ấy vẫn đang ngồi ngay ở mỏm đá, ở bậc thềm kia, bá vai bá cổ nhau mà hát những bài ca của người lính…”, cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Kiểm từng chiến đấu ở Sư đoàn 365 chia sẻ.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Khang (từng chiến đấu tại Sư đoàn 31 thuộc Trung đoàn 917) vẫn không thể quên cái đêm mưa tầm tã ấy ở mặt trận Vị Xuyên. Đó là tháng 11/1985, khi lực lượng của Sư đoàn 31 đang hành quân vào một điểm cao không tên để thay phiên cho các chiến sĩ thuộc đơn vị E2-F3 của Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng) đóng ở đó từ trước. Hành quân trên địa hình núi đá hiểm trở trong màn mưa mịt mù và bóng đêm dày đặc, ngay cả những người lính can trường nhất cũng có thể sảy chân. Và chỉ sau một cú ngã, ông Khang đã bị trọng lực ném thẳng xuống vực. Trớ trêu thay, đã không ai phát hiện ra tai nạn đó, vì ông Khang là người cuối cùng trong đoàn lính đang hành quân. Chỉ khi tới chốt bàn giao và kiểm đếm lại quân số, cả đoàn mới phát hiện thiếu mất một anh lính đặc công.

Khi ông Khang tỉnh lại thì trời đã tờ mờ sáng. Nhổm người dậy, ông chết lặng khi thấy cách nơi mình nằm chỉ tầm hai mươi phân là một bãi mìn to tướng. May quá, lăn lông lốc xuống đây như một hòn đá, chỉ có nhờ ông bà ông vải phù hộ thì mới thoát chết trong gang tấc thế này, ông nghĩ. Chợt có hai bóng người từ xa đang tiến tới. Ông chộp lấy khẩu súng, lên đạn, định bắn thì một người hô lớn: “Sao!”. “Đúng mật khẩu rồi, thì ra là đồng đội đi tìm mình!”, ông Khang nghĩ và mừng rỡ đáp lại: “Vàng!”. Đó là hai người lính cuối cùng của Sư đoàn 3 còn ở lại chốt chờ bàn giao. Họ đã có thể rời đi nhưng vẫn quyết tâm ở lại tìm ông Khang bằng được, vì họ biết những người lính Sư đoàn 31 vừa mới tới đây không thể thông thạo địa hình rừng núi bằng họ. Mất vài tiếng để họ tìm thấy ông Khang và mất thêm nhiều tiếng nữa để họ cõng ông về tới chốt bàn giao.

“Gần một thập kỷ ở chiến trường Vị Xuyên, chỉ có cú ngã đó mới suýt lấy được mạng tôi. Nếu không có hai người chiến sĩ ấy thì có lẽ hôm nay cậu đến đây để thắp hương cho tôi rồi đấy. Nhưng tiếc là tôi chẳng biết gì về tên, tuổi hay quê quán của họ, đến mặt cũng không nhớ. Vì hai người ấy khi cõng được tôi về chốt là rút lui luôn, còn tôi thì cứ nửa tỉnh nửa mê đến tận ngày hôm sau. Đến lời cảm ơn tôi còn chưa kịp nói ra…”, ông Khang bồi hồi nhớ lại.

Hơn 30 năm qua, ông Khang luôn đau đáu một nỗi niềm muốn tìm lại những ân nhân đã cứu mạng mình. Ông đã hỏi không biết bao nhiêu người, thậm chí gặp cả những cựu binh từng chiến đấu ở đơn vị E2-F3 thuộc Sư đoàn năm xưa mà vẫn không có kết quả. Nhưng ông vẫn không bỏ cuộc. Năm nào ông cũng về nghĩa trang Vị Xuyên và đài tưởng niệm 468 với hy vọng sẽ tìm được một manh mối nào đấy, hoặc sẽ có một cuộc hội ngộ bất ngờ xảy ra. Và bên cạnh những lời cầu nguyện cho gia đình, người thân và bạn bè, ông không quên cầu cho hai người lính ấy luôn khoẻ mạnh, bình an.

“Tôi lúc nào cũng tin rằng họ vẫn đang còn sống, còn khoẻ mạnh và năm nào cũng về thăm Vị Xuyên trong bộ quần áo lính giống như tôi vậy. Mong rằng một ngày nào đó, chúng tôi sẽ nhận ra nhau, ôm chầm lấy nhau, tay bắt mặt mừng. Nếu có thể được như vậy, tôi cũng không còn gì phải nuối tiếc nữa…”, ông Khang bùi ngùi.

Adblock test (Why?)

Related Posts: