Trong khi hài Bắc lạm dụng “thủ pháp” gây cười cơ học với răng vẩu, nói ngọng thì việc giả gái, chuyển giới và khai thác đời tư nghệ sĩ nhan nhản trong tác phẩm phía Nam.
2016 được đánh giá là một năm bùng nổ của thị trường hài phía Nam với đủ thể loại, từ hài kịch sân khấu, truyền hình thực tế, game show, cuộc thi tìm kiếm tài năng. Nghệ sĩ hài phủ sóng màn ảnh nhỏ, màn ảnh lớn và thị trường giải trí với đủ vai trò từ MC, thí sinh, người biểu diễn đến giám khảo, huấn luyện viên.
Sự ra đời của nhiều chương trình hài khiến số lượng tác phẩm như “nấm mọc sau mưa”, còn chất lượng thì “thượng vàng hạ cám” – nhiều kịch bản được đầu tư nhưng cũng không ít sự nhảm nhí, nhạt nhẽo, gượng gạo được trình diễn trên sân khấu, truyền hình.
Trấn Thành và "cô giáo" Khánh cùng giả gái trong live show Bình tĩnh sống vào năm 2016. Ảnh: Bá Ngọc.
Lạm dụng giả gái
Giả gái vốn không phải là một biểu hiện xấu của hài kịch. Nhiều nghệ sĩ nam nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam đều thành công khi hóa thân thành nhân vật nữ.
Cô Cám trong vở Tấm Cám của NSƯT Thành Lộc được giới phê bình đánh giá là “khó ai có thể vượt qua”, NSƯT Xuân Hinh trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa cũng được xếp vào hàng “mẫu mực” của nghệ thuật chèo cổ.
Thế nhưng, thời gian gần đây, việc giả gái đang bị lạm dụng với hóa trang diêm dúa, xấu xí, lố bịch cốt để gây cười.
Trong live show Bình tĩnh sống vào năm 2016, Trấn Thành giả gái 2 lần, còn trong chương trình Ơn giời! Cậu đây rồi, nơi nam MC làm trưởng phòng thì mức độ đạt tới “vô số”.
Không chỉ nghệ sĩ có vóc dáng tương đối giống phụ nữ như Trấn Thành, Hoài Linh mà ngay cả Chí Tài – một nghệ sĩ khá nam tính ở ngoài đời – cũng bắt đầu lấy việc giả gái “xấu đến ma chê quỷ hờn” làm thương hiệu. Nam nghệ sĩ không từ một dạng vai nữ nào từ nhân vật hồn ma trinh nữ, dì ghẻ, công chúa đến Chúc Anh Đài, thiên thần nội y, quý bà đại gia.
Trong nhiều live show, chương trình hài kịch do đơn vị phía Nam tổ chức, nghệ sĩ giả gái còn áp đảo các diễn viên được sống thật với giới tính của mình.
Ví dụ điển hình là trong live show Chú Lùn và bảy nàng Bạch Tuyết sắp diễn ra tại sân khấu Trống Đồng, TP.HCM, 6/7 nàng Bạch Tuyết được nghệ sĩ nam thủ vai bao gồm Chí Tài (Bạch Bưởi), Minh Tuấn (Bạch Bạch), Hoài Lâm (Bạch Kinh), Thanh Duy (Bạch Dương), Kelvin Khánh (Bạch Tuộc), Đại Nhân (Bạch Cầu).
Một số nghệ sĩ nam giả gái thường xuyên như Gia Bảo, "cô giáo" Khánh dẫn đến nghịch cảnh không vào nổi một vai đúng giới tính ấn tượng. Số khác, lại lấy việc giả gái, chuyển giới làm thích thú, thậm chí coi việc hóa thân vào giới tính khác như một “tiêu chuẩn” để thành nghệ sĩ hài thực thụ.
Trong cuộc họp báo bầu chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2016 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, ngoài việc chọn ra 10 sự kiện tiêu biểu, ban tổ chức cũng lần đầu tiên công bố 5 thực trạng bất cập còn tồn tại, trong đó hài nhảm, giả gái và lùm xùm showbiz xuất hiện ở vị trí số 2.
Trường Giang, Trấn Thành, Thu Trang thường xuyên cùng khai thác đời tư của nhau để gây cười.
Khai thác đời tư
Ngay sau khi Zbài viết Hài Bắc: 'Bao giờ hết gây cười bằng răng vẩu, nói ngọng' được đăng, một độc giả bình luận đầy châm biếm: “Khi nào hài miền Nam hết khai thác chuyện Hari Won – Trấn Thành, Nhã Phương – Trường Giang thì miền Bắc hết gây cười bằng răng hô, ngắn lưỡi”.
Sự phát triển của thị trường hài phía Nam ắt dẫn đến tình trạng khan hiếm kịch bản và mánh khóe biểu diễn. Khó khăn trong việc gây cười bằng những tình huống hài, các nghệ sĩ bắt đầu chuyển sang khai thác đời tư của nhau.
Khán giả không hiếm gặp việc Trường Giang nhắc đến Hari Won trên sân khấu để đùa bỡn Trấn Thành, và ngược lại Trấn Thành đưa Nhã Phương để chọc quê đồng nghiệp.
Những mối quan hệ tình cảm khác như Thu Trang – Tiến Luật, Quang Minh – Hồng Đào hay sở thích ăn cá khô, mắm tép của Hoài Linh cũng từng được đề cập như trên sân khấu, truyền hình nhằm mục đích gây cười cho khán giả.
“Đưa chuyện riêng tư, đem người yêu ra nói, đưa giám khảo ra chọc mà không liên quan đến câu chuyện không phải là diễn hài. Cái đó giỡn mặt" – diễn viên La Thành bình luận.
Theo Zing