Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Hãy yêu một người thích tranh luận, đừng yêu người chỉ biết gật đầu

Trong tình yêu, nhiều đàn ông muốn làm Vua và không ít đàn bà muốn làm Nữ hoàng.

Đàn ông, ai cũng muốn có một cô người yêu dễ thương, ngoan hiền, bảo gì nghe nấy. Bởi các anh sợ nhất là lý lẽ của đàn bà. Sợ những lời trách móc, dèm pha, những ghen tuông vô cớ… khiến các anh ngày ngày đều phải đau đầu nghĩ cách đối phó.

Đàn bà, ai chẳng thích có người yêu “mình thích gì cũng chiều”, không bao giờ nặng lời, mình làm sai nhưng lần nào cũng là người ta chủ động xin lỗi.

Trong tình yêu, đàn ông muốn làm Vua. Đàn bà lại muốn làm Nữ hoàng.

Hãy yêu một người thích tranh luận, đừng yêu người chỉ biết gật đầu

Trong tình yêu, đừng bao giờ là một người nói, một người nghe. Ảnh minh họa

Đàn bà, đôi khi vì quá yêu hoặc muốn làm người yêu vui lòng thường hay nhún nhường, nghe lời người yêu. Mặc dù có nhiều việc bản thân không thích hay không muốn làm nhưng chỉ cần là người ấy muốn đều có thể “xuống nước”. Dần dần, họ còn chẳng biết đến chính kiến bản thân là gì. Chỉ cần là ý kiến của người yêu, họ đều gật đầu. Không phản biện, không từ chối. Với họ, đó mới là tình yêu chân chính.

Đàn ông, nhiều khi nghĩ rằng nhường nhịn, chiều theo ý người yêu là chuyện đương nhiên. Họ coi đó là bản năng bảo vệ, chăm sóc người yêu của phái mạnh. Nhiều khi thấy bạn gái hãnh diện vì sự chiều chuộng của mình trước bạn bè, nhiều anh cũng thấy vui. Với họ, như thế là đã trở thành một “soái ca” hoàn hảo trong mắt chị em.

Trong tình yêu, cả đàn ông và đàn bà, đôi khi chỉ là “cái bóng” của người kia.

Tuy nhiên, không phải lúc nào một bên sắp đặt-một bên nghe lời đều là những cái kết “happy ending” cả. Bởi, những cái gật đầu chấp thuận của đàn bà dễ biến đàn ông trở thành một kẻ gia trưởng, thích áp đặt, độc đoán. Ngược lại, sự chiều chuộng hết mực của đàn ông sẽ khiến đàn bà dễ trở nên đỏng đảnh, tự phụ và kênh kiệu.

Cuối cùng, trong mối quan hệ ấy sẽ có một người phải chịu tổn thương bởi chính sự nhu nhược, nhún nhường của bản thân vì người kia sẽ không hiểu và chia sẻ được với suy nghĩ của họ, những điều họ đã hy sinh. Bởi nếu hiểu được, thì mối quan hệ của họ là cân bằng, là cho đi và nhận lại. Là cùng yêu và hạnh phúc, chứ không phải là một người được yêu và một người phải yêu.

 Sau tất cả, có thể người bị tổn thương sẽ rời đi vì không thể chịu được một mối quan hệ mà bản thân luôn là người thiệt thòi. Hoặc chính người được yêu chiều quá nhiều sẽ là người nói lời chia tay vì họ không còn muốn ở bên cạnh một người mà dù họ nói gì cũng tăm tắp nghe theo, chỉ cần họ mở miệng người kia sẽ cum cúp gật đầu. Quá sức nhàm chán để có thể duy trì.

Hãy yêu một người thích tranh luận, đừng yêu người chỉ biết gật đầu

Tranh luận, trò chuyện là cách để hiểu đối phương hơn. Ảnh minh họa

Vậy nên, đừng vội khoe khoang với thiên hạ rằng “Người yêu tôi ngoan lắm, biết nghe lời và không bao giờ rời khỏi tôi được”. Bất thứ thứ gì, một khi đã không cân bằng, đều có thể sụp đổ bất cứ lúc nào bằng cách này hay cách khác. Một mối quan hệ kiểu như thế cũng sẽ không có ngoại lệ.

Do đó, khi bạn yêu một người thích tranh luận, phản biện lại những ý kiến của bạn mà họ cho là chưa hợp lý hoặc không cần thiết, đừng vội trách rằng họ không hiểu hoặc không chia sẻ được với mình. Đó là cách họ thể hiện chính bản thân, cá tính, suy nghĩ của mình. Và cũng là cách tốt nhất để bạn có thể hiểu rõ hơn về con người họ. Bởi khi tranh luận, những gì bản năng và nguyên thủy nhất trong suy nghĩ của một người sẽ được bộc lộ rất rõ nét, từ đó làm nổi lên tính cách, cá tính của họ.

Nên có rất nhiều cặp đôi, thường xuyên tranh luận, cãi nhau nhưng lại rất bền chặt và yêu nhau rất lâu. Thậm chí, càng về sau tình cảm họ dành cho đối phương càng nhiều vì càng tiếp xúc, tranh luận họ càng hiểu người kia, thấy rõ được tố chất tốt hơn và biết cách kiềm hãm những cái xấu của người ấy.

Hãy yêu một người thích tranh luận, đừng yêu người chỉ biết gật đầu

Nhiều cặp đôi thường xuyên cãi nhau nhưng lại rất yêu nhau. Ảnh minh họa

Chỉ cần nhớ một điều rằng, tranh luận không có nghĩa là dùng mọi lý lẽ để áp đặt suy nghĩ của mình lên một vấn đề nào đó và bắt buộc đối phương phải nghe theo. Nếu ý kiến của người kia hợp lý và thuận tình hơn thì cũng cần lắng nghe. Tranh luận là để tìm ra tiếng nói chung với nhau không phải là để tạo ra xích mích gây nên những hiểu lầm, thậm chí nặng lời miệt thị, đánh đập đối phương.

Người với người, để hiểu nhau không có cách nào tốt nhất bằng việc đối thoại với nhau. Việc nói chuyện, chia sẻ với nhau về những vấn đề trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc, tương lai, những dự định… sẽ giúp cả hai tin tưởng và hiểu nhau nhiều hơn.

Vì vậy, đừng thấy phiền khi trò chuyện với người yêu và đừng vội càu nhau khi người ấy luôn muốn biết ý kiến của bạn về bất kỳ vấn đề nào đó. Không phải là họ không thể tự quyết định mà đó chính là sự tôn trọng và tin tưởng của người đó dành cho bạn.

Cùng tin tưởng và cùng yêu nhau mới là những điều có thể làm nên một tình yêu vĩnh hằng.

An Thi

Related Posts: