Phải khẳng định ngay, làm người đàn ông chưa thời nào là dễ dàng và “dễ thở” thoải mái cả.
Dù là trong thời bình hay trong thời loạn lạc thì những trách nhiệm nặng nề cũng được cả xã hội kỳ vọng vào lớp lớp đàn ông trai tráng.
Ảnh internet.
Ngoài xã hội thì như thế, trong gia đình, từ khi còn là một cậu bé, đến khi trở thành chàng thanh niên hay một người đàn ông trưởng thành, các “đấng mày râu” đều được giáo dục và rèn dũa để trở thành người của phái mạnh, để có thể bảo đảm vai trò trụ cột, xứng đáng là cây cao bóng cả cho những yếu đuối nào đàn bà, người già, trẻ con dựa vào.
Và ngay cả chính người đàn ông cũng mặc nhiên nhận mình là mạnh. Hay nói chính xác hơn là phải luôn tỏ ra là mình cứng cỏi mạnh mẽ, mình điềm đạm bao dung, mình có dư thừa khả năng chống trọi phong ba bão tố cuộc đời …
Tất cả những điều tưởng như là mặc định ấy vô hình chung đã tạo nên cho người đàn ông một lớp vỏ khó lòng phá vỡ và những áp lực không thể nói là nhỏ.
Tận trong cùng của lớp vỏ cũng có những nỗi niềm con người rất thường tình mà tôi gọi là “Nỗi niềm giếng khơi”.
Tôi luôn thấy ở người đàn ông sự cô đơn nào đó rất khó cắt nghĩa một cách rành rọt.
Người đàn ông cô đơn bởi chính đặc điểm giới là rất khép kín, ít thích chia sẻ những nỗi niềm tâm sự riêng tư của mình. Vì không chia sẻ nên rất khó để hiểu tường tận. Nhưng cũng chính vì không chia sẻ nên người đàn ông lại có tâm lý thất vọng rằng mình không được thấu hiểu của những đối tượng mình tiếp xúc. Đó thực sự là một cái vòng luẩn quẩn không bao giờ có thể giải tỏa được, một khi đó là đặc điểm của giới tính, do sự quy định của nhiễm sắc thể…
Để không rơi vào lan man dông dài, tôi chỉ muốn nói đến nỗi buồn của người đàn ông thường gặp mà nguyên nhân chỉ là những đối tượng trong gia đình mà thôi.
Không gì khổ bằng người đàn ông có một cô vợ dại- nghĩa là một cô vợ chỉ biết thụ động dựa hoàn toàn vào chồng: nấu nướng vụng, chăm con vụng, đối nhân xử thế vụng… nhất nhất dựa vào “bố cháu”, nhất nhất làm theo những gì “bố cháu” chỉ tận tay mới làm nổi, nói đến năm lần bảy lượt mới “thủng” vấn đề cần truyền đạt.
Các bạn đừng vội cười và nói tôi đang nói đến những mẫu phụ nữ của ngày xưa. Tôi khẳng định là chính tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ cùng lứa với tôi hoặc trẻ hơn nữa có một khuôn mặt thụ động giống nhau, có những ánh mắt phục tùng giống nhau, có những nụ cười thiếu tự tin giống nhau hướng về chồng mình.
Đừng nghĩ là trong vai trò “chủ nhân ông đích thực”, người đàn ông sẽ thỏa nguyện, sung sướng. Không đâu. Người đàn ông cũng cần tâm sự. Người đàn ông cũng có nhu cầu chia sẻ vui buồn với vợ hệt như chúng ta vậy. Người đàn ông cũng cần có người cùng đàm đạo chuyện trò chuyện trong nước ngoài nước, chuyện thế sự đổi thay, chuyện bấp bênh thời cuộc. Người đàn ông thậm chí cũng cần người hơn tài mình ở một khía cạnh nào đấy để anh ta nể trọng và thán phục một cách đầy tự hào là vợ mình đâu đến nỗi xoàng…
Và vì thế, dẫu người đàn bà ấy là sự lựa chọn của mình thì người đàn ông cũng không thể không ngao ngán khi nói mà vợ không hiểu nên không thể chia sẻ được gì. Tấm lá chắn “để bố cháu quyết định mọi việc” trở nên vô tác dụng, thậm chí còn trở thành một gánh nặng, đặc biệt là trong hoàn cảnh xã hội, công việc, quan hệ giữa con người với con người trong xã hội ta trong thời điểm hiện tại.
Chán đến tận cùng của chán là người đàn ông có cô vợ đoảng, vợ dại là vì như vậy.
Ngược lại với mẫu vợ dại là vợ khôn: quá khôn ngoan đảm đang sắc sảo, quá thành đạt, quá nhiều tham vọng và… kiếm quá nhiều tiền so với chồng. Với tư cách là một quan sát viên, tôi thấy những cô vợ như vậy quả thật là những nỗi kinh hoàng cho các đức ông chồng- nỗi niềm mà có kể ra chắc chắn sẽ không ai hiểu và đồng tình chia sẻ. Tôi thấy những người đàn ông tử tế bao giờ cũng có chung tâm lý là muốn yên cửa yên nhà và cả …yên thân nên từ chỗ yêu chiều vợ đến chỗ “thả nổi” cho vợ muốn quyết gì thì quyết, muốn làm gì thì làm chỉ là một khoảng cách rất ngắn.
Chính sự thỏa hiệp ấy khiến cho những người vợ sắc sảo lấn lướt, dần dần vai trò và tiếng nói của ngưởi đàn ông trong gia đình bị lu mờ, thậm chí bị đẩy đến số không lúc nào không biết.
Đây không phải chuyện chỉ riêng một vài gia đình, để phân tích sâu nguyên nhân và giải pháp có lẽ phải viết một bài báo khác mới có thể viết tường tận được. Tuy nhiên, tôi có thể nói ngay là tôi có thể hiểu được đến tận cùng nỗi buồn của người đàn ông bị tước đi sự mạnh mẽ quyết đoán trong mọi việc lớn nhỏ liên quan đến gia đình con cái.
Nên chăng có sự cư xử tế nhị khéo léo của người vợ thành đạt thì sẽ không có sự hoán đổi vai trò đáng tiếc như vây. Và cũng cần lắm một sự cởi mở chia sẻ những cảm xúc của người chồng, vì trong trường hợp này, càng im lặng, càng khép kín sẽ càng đẩy rộng ra hố sâu ngăn cách giữa hai vợ chồng, những tâm tư, những nỗi buồn đàn ông càng khó giải tỏa và thấu hiểu.
Ngoài hai mẫu các bà vợ gây cho chồng mình những nỗi buồn bã trăn trở, còn phải kể đến những chị em quá nhõng nhẽo ủy mị. Tôi bị ám ảnh bởi một cảnh một cô vợ cao khoảng trên 1m 65, nặng cũng chừng 6 chục ký, gọi giật giọng chồng quay ngược trở lên tầng 4 để cõng mình xuống và vì ông chồng “can tội” quên không hôn tạm biệt mình, trong khi ông chồng đã xuống đến tần trệt, chuẩn bị ra xe để đi làm! Vậy mà ông chồng vội vàng quay lên và cõng nàng xuống trước cặp mắt sững sờ vì kinh ngạc của tôi và sự hể hả mãn nguyện của người vợ chắc đã quá quen với việc này.
Tự nhiên tôi ao ước giá như tôi có khả năng, tôi sẽ nặn tượng người chồng, một hình mẫu hiếm hoi của sự “đội vợ lên đầu” như các cụ xưa miêu tả! Tôi sẽ không kể ra chuyện này nếu như tôi không biết nỗi buồn của ông chồng nhắm mắt chiều vợ cho xong. Anh không dám làm trái ý cô vì nếu trái ý cô sẽ bù lu bù loa khóc lóc kết tội anh không còn yêu cô như xưa nữa. Hơn thế nữa, cô còn nhịn ăn tuyệt thực, để mặc con cái nheo nhóc bẩn thỉu, để mặc cho nồi niêu mốc meo, bát đĩa không rửa….cô để mặc hết cho đến bao giờ anh chồng xuống nước, nhắm mắt ngán ngẩm chiều vợ cho yên thì mới thôi!
Mẫu phụ nữ như thế này quả thực là… không còn gì có thể bình luận được nữa!
Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, mọi điều oái oăm tai ngược của vợ đàn ông có thể chịu được hết trừ việc bị vợ cắm sừng. Có một thực tế là phụ nữ chúng ta vì rất nhiều lý do đều dễ dàng tha thứ “tội” ngoại tình của chồng hơn là đàn ông tha thứ cho vợ.
Việc người vợ qua mặt mình có một mối quan hệ ngoài luồng khác bị đàn ông coi là một sự xỉ nhục, một sự chà đạp lên sự kiêu hãnh đàn ông của mình và vì thế là chuyện rất khó để người đàn ông bỏ qua và tha thứ.
Ngoài nỗi niềm vợ chồng, nỗi buồn của người đàn ông trong gia đình còn xuất hiện khi phải đứng ở giữa để phân xử hoặc phải lắng nghe những mâu thuẫn không bao giờ là đơn giản giữa mẹ chồng và con dâu.
Ngả về bên nào cũng là điều cực kỳ khó xử với các anh, tôi hiểu là như vậy và luôn thành thực khuyên những người bạn gái, em gái của mình là không bao giờ nên dại dột đặt chồng mình vào thế phải lựa chọn hoặc là mẹ hoặc là vợ. Không một người đàn ông tử tế nào lại bỏ mẹ để theo vợ cả, dẫu trong thâm tâm người đàn ông ấy vẫn còn yêu vợ và không muốn những đứa con của mình phải khổ vì cảnh bố mẹ ly dị.
Chắc chắn tôi chưa thể liệt kê ra hết những nỗi niềm của các anh, nào nỗi niềm liên quan đến con người xã hội, nào nỗi niềm về sức khỏe, nỗi niềm liên quan đến tương lai con cái, đến tài chính gia đình… Tất thảy những âu lo trăn trở ấy đều có tầm vĩ mô, bao quát rồi nhìn xa trông rộng.
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng vai trò đàn ông – một người đàn ông đúng nghĩa- luôn quan trọng và nặng nề. Các anh không buồn, không lo mới là chuyện lạ. Chỉ mong các anh chia sẻ nhiều hơn, cởi mở nhiều hơn với người bạn đời của mình. Có như thế mới tránh được tình trạng hai người sống chung một mái nhà mà lại thuộc về hai thế giới khác nhau, nhìn về hai hướng khác nhau.
Mong sao còn tình yêu là còn điều chỉnh cái tôi của mình cho phù hợp. Còn tình yêu là còn cùng nhau kê bớt những chỗ lệch để cuộc sống chung trở thành một hạnh phúc dài lâu và bền vững!
Saomai Pham.
Trong cuộc sống có rất nhiều điều cần thổ lộ, hãy gửi lời tâm sự của bạn tới VGT qua email: newsvietgiaitri.com.vn để mọi người cùng chia sẻ nhé! VGT cam kết sẽ giữ bí mật mọi thông tin mà bạn gửi cho chúng tôi trong mọi trường hợp.