Nhà văn Vũ Bão, cộng tác viên ruột của tờ Tiền Phong vốn chẳng có dây mơ rễ má chi với họ Vũ cả. Anh lính Vệ quốc đoàn tên là Phạm Thế Hệ xông vào “trường văn trận bút” từ sớm trình làng truyện dài Làm giời với bút danh Vũ Bão. Nghe nhà văn kể lại cái tội tự tiện lập ra cái tên mới này đã bị cụ thân sinh mắng cho một trận.
Vũ Bão cười: “Cái tên Phạm Thế Hệ nghe hơi… hanh hách thế nào? Tớ vốn mê văn tài Vũ Trọng Phụng. Vũ Thế Hệ nghe lại càng… hách. Thì “mưa gió” tí chơi vậy”!
Nhưng đến năm 1957 tiểu thuyết Sắp cưới của nhà xuất bản Văn học do nhà văn Tô Hoài làm giám đốc ghi trên bìa một hàng chữ “Loại sách ra mắt” với số lượng in 3.000 cuốn thì Vũ Bão mới thực sự gây “mưa gió” trong lòng bạn đọc. Sắp cưới nhanh chóng gây dư ba chẳng kém Vượt Côn Đảo của Phùng Quán là mấy.
Rồi bỗng dưng, người ta xì xào Sắp cưới có “vấn đề” (?) Mà chẳng còn là xì xào xầm xì nữa, một số tờ báo lớn ở Thủ đô lúc đó thẳng thừng chỉ ra cái hơi hướng “ủy mị tiểu tư sản, phi giai cấp” của Sắp cưới… Nặng “chùy” hơn cả là bài viết của nhà văn trẻ Nguyễn Khải trên Văn nghệ Quân đội tháng 7/1958 có cái tên Trách nhiệm người viết qua cuốn “Sắp cưới” của Vũ Bão.
Vâng, thế là rầm cả lên. Vũ Bão khi đó đang công tác ở Ủy ban cải cách ruộng đất Trung ương nhận được chỉ thị phải kiểm điểm!
Vẫn chuyện Vũ Bão, lúc đó ông có thanh minh và hình như có cãi nữa nhưng không mất xu nào mà vẫn mua được khối búa với rìu! May phúc cho Vũ Bão, đồng chí bí thư chi bộ đã gặp riêng trấn bớt cơn hăng của chàng thanh niên hai mươi sáu tuổi ấy, mắng cho Vũ Bão một trận “bơn bớt cái mồm đi” rồi trần tình với tổ chức đại ý thế này: Thưa các anh, đây là chuyện văn chương, chúng tôi thấy báo chí - báo lớn báo nhỏ, báo dân báo quân - phê phán như thế là đủ là thấm cho cậu này lắm rồi. Chưa hết, một tỉnh ủy viên Hà Nam vốn có quen biết Vũ Bão hồi còn hoạt động địch hậu đã xin Vũ Bão về Hà Nam làm cán bộ Tỉnh Đoàn. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng lại “hợp thức” việc xin người ấy bằng cách ký quyết định “cho đi lao động cải tạo dài hạn”. Hơn mười một năm, Vũ Bão phải cắm ở vùng chiêm trũng Hà Nam cho đến cái năm nhà văn Hồ Phương xin Vũ Bão sung vào đội hình đi B với Bộ Tư lệnh Thông tin vào chiến trường B5…
Tôi cắm mặt vào tập giấy… Gớm cho cái nhà ông Vũ Bão, ngôn từ dùng cho phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết đã ghê, chữ nghĩa ông dùng trong cái thư ngỏ này còn khoan nhặt hơn, thâm sâu hơn, chì chiết hơn trong cái việc trách cứ quy kết ông Nguyễn Khải đã lờ đi, đã lặng phắc, đã phẩy tay cái việc “gắp lửa” ngày ấy để ông phải âm thầm chịu đựng suốt 42 năm. Vũ Bão cũng rành rẽ rằng, cái “khoản” thư ngỏ kiêm bài báo 42 năm trước, ông sẽ “trưng” lên ở Đại hội Nhà văn VI sắp tới!
Ngó nhà văn vừa thở dốc (di chứng của lần tai biến mạch máu não) vừa nói: Các cậu còn trẻ các cậu chưa biết nên chưa thấm. Đau lắm. Nhưng không nói được. Nói vào lúc nào? Trách vào lúc nào? Bị ngã đài đau tưởng chết. Nếu cứ nằm chờ người ta đếm đến “8” là sẽ bị hốt quăng đi. Không, tớ đã vùng dậy. Gượng được đến lúc này cũng là quá. Thế mà “người ta” cứ im lặng suốt từng ngần ấy năm thì có quá đáng không?
Một tờ ông ghi xin được rút khỏi danh sách bầu Ban Chấp hành Hội Nhà văn. Tờ kia, tôi coi mà không tin vào mắt mình nữa. Tôi không chép, trích cụ thể ra đây nhưng đại ý ông xin lỗi nhà văn Vũ Bão cái hồi ấy (năm 1958) đã không hiểu hết mọi sự. Do hăng nên đã gây ra những sự như thế, như thế…
Đón cái nhìn dò hỏi của tôi, nhà văn Nguyễn Khải chậm rãi: “Mình có nhận được thư ngỏ của ông Vũ Bão do mấy ông bạn chuyển. Quả thật mình choáng người! Mình đã quên đi việc này lâu rồi. Nhưng nếu tự cho mình cái quyền quên đi hay tình thế lúc đó nó phải như thế, như thế thì có lẽ không phải… Mình dự định ra chuyến này mình phải chủ động gặp… và cũng lường trước, nếu ông Vũ Bão công khai thư ngỏ, thì mình cũng công khai sự xin lỗi như trong nội dung tờ giấy này…”.
Tôi nhớ là đã hào hứng như thế nào khi thuật lại cho nhà văn Vũ Bão bữa gặp vội nhà văn Nguyễn Khải ở TPHCM. Nhưng khác với bản tính cởi mở, Vũ Bão cứ ừ hữ thế nào?
May cái là nhà văn Nguyễn Khải cũng đã bay ra. Nhà văn Vũ Bão cũng đã tới dự Đại hội VI lần ấy được tổ chức ở Hội trường Ba Đình.
Tôi thì chẳng đừng được sự tò mò lẫn nôn nóng khi tới ngồi cạnh nhà văn Nguyễn Khải rồi rụt rè khơi ra việc ấy, việc ấy… Có thể là mình chẳng là cái đinh gì giữa các cao thủ?
Nhưng tôi khác ông, chả phải đợi tới 42 năm mới lựa được một thời điểm, với lại cũng có cách kiểm chứng của riêng mình. Trước đó, tôi còn cẩn thận trình trước với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Tổng thư ký Hội. Ông Điềm, nghe chuyện, vẻ mặt cứ băn khoăn thế nào, dường như không chắc lắm cái phương án hòa giải?
Vừa tới giờ giải lao, nhân lúc Thành Chương vác máy ảnh lướt qua, tôi giữ lại… Rồi tôi dắt cụ Vũ Bão cứ thế qua các hàng ghế tới khu vực đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh. Từ xa, cụ Nguyễn Khải chừng như đã đón được sự ma mãnh của tôi liền tươi cười đứng dậy dang tay ra đón cụ Vũ Bão ngồi xuống bên cạnh mình. Thoáng cái, đã thấy ánh đèn flash của họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Thành Chương lóe trên hai gương mặt rạng rỡ ấy…
Tiễn Vũ Bão ra đến tận ngõ 15 Hồ Xuân Hương, tôi chưa biết nói thế nào? Nhà văn Nguyễn Khải, quen biết từ lâu. Cũng là chỗ cộng tác viên thân gần lâu năm của Tòa soạn. Lại là người giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn… Chao ơi, hai ông anh thân kính của tôi sau 42 năm im hơi lặng tiếng lại sắp sửa xông vào trường văn trận bút mới đây?
(Còn nữa)