Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Gỡ nguy cơ tê liệt nhiều dịch vụ công ích: Hà Nội chậm trễ, Bộ Tài chính thiếu rõ ràng?

“Hà Nội cần rút kinh nghiệm”

Ngay sau khi thành phố Hà Nội có văn bản đề nghị tháo gỡ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương bàn bạc tìm hướng giải quyết cho thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác gặp khó khăn tương tự trong triển khai quy định mới về hoạt động công ích.

Cho ý kiến về việc này, ngày 23/11, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đến nay Bộ đã có 2 văn bản báo cáo Thủ tướng về nội dung trên. Gần đây nhất tại Văn bản số 12443/BTC, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết đến nay đã có 33 địa phương (trừ tỉnh Lâm Đồng) báo cáo đã ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo các lĩnh vực (tuy chưa đầy đủ) thuộc phạm vi quản lý; trên cơ sở đó ban hành định mức, đơn giá theo thẩm quyền để tổ chức đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ theo quy định mới.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND nhiều tỉnh đã ủy quyền cho các sở, ngành chuyên môn thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo Nghị định 32. “Một số địa phương đánh giá việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước theo quy định mới đã giúp địa phương quản lý theo dõi, đánh giá được thuận lợi”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu rõ.

Đối với việc Hà Nội đề xuất được thanh toán kinh phí khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm có kết quả đấu thầu (qúy I/2020) bằng hình thức đặt hàng, Bộ Tài chính cho rằng, kiến nghị này không thuộc phạm vi chuyển tiếp được thanh toán theo quy định tại Nghị định 32. Vì vậy, Bộ Tài chính xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội báo cáo.

 Trong Văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính cho rằng, Nghị định 32 được Chính phủ ban hành từ 10/4 có hiệu lực 1/6/2020 nên “việc một số lĩnh vực dịch vụ công ích trên địa bàn Hà Nội chuyển từ phương thức đặt hàng sang đấu thầu nhưng chưa hoàn thành công tác đấu thầu trước ngày 31/12/2019 là chậm so với quy định. Thành phố Hà Nội cần lưu ý, rút kinh nghiệm”.

Không nhất quán

Tìm hiểu thực tế chuyển đổi thanh toán lĩnh vực công ích tại Hà Nội cho thấy, khó khăn lớn nhất  mà các doanh nghiệp, nhà thầu cung cấp dịch vụ thoát nước; thu gom, xử lý rác thải; cây xanh; vận tải công cộng tại Hà Nội đang gặp phải là toàn bộ chi phí hoạt động trong các tháng đầu năm của quý I/2020 chưa được thanh toán. Trong các kiến nghị, văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc này,  Hà Nội cũng đã nhấn mạnh nội dung trên.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong Văn bản số 6428/BTC/HCSN, ký ngày 29/5/2020, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đồng ý với kiến nghị của Hà Nội khi cho rằng: “Để tháo gỡ khó khăn trong việc một số đơn vị dịch vụ công ích vẫn phải tiếp tục cung cấp dịch vụ công khi chưa có kết quả đấu thầu, Bộ Tài chính thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội để thanh toán các chi phí cho đơn vị cung ứng dịch vụ công trong khoảng thời gian từ 1/1/2020 đến khi có kết quả trúng thầu theo phương thức đặt hàng. Cơ sở để áp dụng mức thanh toán là kết quả đặt hàng năm 2019 và giá trúng thầu năm 2020”.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nêu ý kiến, Văn bản số 6428 của lãnh đạo Bộ Tài chính  có thể xem là nội dung khai thông được các bế tắc trong hoạt động dịch vụ công ích tại Hà Nội trong các tháng đầu năm nay. “Thực tế này cũng đang được một số địa phương, trong đó có TPHCM áp dụng khi chuyển từ phương thức đặt hàng sang đấu thầu đối với các dịch vụ công ích”, ông Quyền dẫn chứng thực tế.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì gần 5 tháng sau, trong Văn bản số 12443/BTC-HCSN ngày 9/10/2020, Bộ Tài chính lại có quan điểm khác về việc này. Cụ thể, Văn bản số 12443 nêu rõ: “Kiến nghị không thuộc phạm vi chuyển tiếp được thanh toán theo quy định tại Nghị định số 32. Vì vậy, Bộ Tài chính xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ xem xét về việc cho phép thực hiện”.

Một lãnh đạo Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội đánh giá, đây là quan điểm chưa rõ ràng, nhất quán về một nội dung của cơ quan có trách nhiệm. “Thay vì đưa ra giải pháp để tháo gỡ, cơ quan quản lý lại đưa ra quan điểm không rõ ràng, nhất quán, thậm chí là “đánh võng” chính sách để việc tháo gỡ thanh toán dịch vụ công ích các tháng đầu năm tại Hà Nội tiếp tục bị chậm trễ, đi vào ngõ cụt”, vị này nói.

Trong quá trình triển khai quy định mới tại Hà Nội cũng như các địa phương, đại diện Bộ Tài chính cho biết, từ tháng 7/2020 Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố gửi báo cáo , nhưng hết thời gian đề nghị mới có 34/63 địa phương báo cáo; UBND thành phố Hà Nội cũng nằm trong các địa phương không gửi báo cáo.

Let's block ads! (Why?)