Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Hà Nội: Thể chế đi trước một bước tạo đột phá kinh tế, xã hội

Ngày 7/1, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021. Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cho biết, năm 2020, công tác Tư pháp của Hà Nội được triển khai thống nhất, đồng bộ trên các lĩnh vực, cơ bản hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra, góp phần cùng các ngành, các cấp thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đáng chú ý, công tác xây dựng thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện tốt, kịp thời, góp phần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thành phố đúng Hiến pháp, pháp luật, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành kinh tế, xã hội của UBND thành phố. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là việc triển khai các chương trình, kế hoạch được quan tâm chú trọng, bám sát các văn bản quy phạm pháp luật mới của T.Ư, nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc lưu ý, Tư pháp Hà Nội phải bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP; đồng thời tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là những vấn đề về pháp lý. Việc xây dựng thể chế, tổ chức thi hành pháp luật phải tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm, làm sao phát huy vai trò để Hà Nội trở thành điểm sáng trong công tác Tư pháp. Đối với Luật Thủ đô, sau thời gian thi hành, Tư pháp Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp tổng kết, đánh giá để nhìn nhận một cách đúng đắn, toàn diện việc thi hành luật, qua đó nhận diện khó khăn, đề xuất căn chỉnh phù hợp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Tư pháp Thủ đô phải gương mẫu đi đầu trong thực thi nghiêm kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính, cố gắng tham gia sâu hơn, có chất lượng hơn để tham mưu UBND thành phố thực hiện cải cách hành chính, không để người dân phải đi lại lòng vòng".

Ông Lê Hồng Sơn cũng yêu cầu, năm 2021, "thể chế phải đi trước một bước", mở đường cho các đột phá về kinh tế, khoa học kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển con người. Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải nghiên cứu, đề xuất, xác định lĩnh vực, vấn đề ưu tiên hoàn thiện thể chế để chủ động tham mưu thành phố hoặc đề xuất với Trung ương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, xử lý tốt hơn nữa những vấn đề phát sinh trong công tác quản lý điều hành. 

Ngoài ra, phải tập trung vào các nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, thể chế hóa các cơ chế đặc thù để thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. “Đây là những cơ sở, tiền đề quan trọng để Thủ đô có hệ thống thể chế thông thoáng, hiệu lực, hiệu quả, nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng, phát triển nhanh, bền vững", lãnh đạo Hà Nội nói.

Let's block ads! (Why?)