UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn về việc triển khai các biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn. Theo đó, công văn cho rằng, dự báo trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 3/2021 là khoảng thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi gây suy giảm chất lượng không khí.
Để cải thiện chỉ số chất lượng không khí AQI trên địa bàn thành phố, UBND thành phố yêu cầu Sở TN&MT vận hành ổn định hệ thống quan trắc môi trường, cung cấp thông tin diễn biến chất lượng không khí liên tục tới các cơ quan báo chí truyền thông để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.
Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức ra quân từ đầu năm 2021 để kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, rà soát vận động các cơ sở sản xuất bếp than/than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.
Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các sở, ngành liên quan xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí, lồng ghép kế hoạch dài hạn/trung hạn/ngắn hạn về bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn thành phố. Phối hợp với Tổng cục Môi trường kiểm tra công tác vận hành và công bố số liệu quan trắc của các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức đánh giá tính hiệu quả các mô hình hạn chế đốt rơm rạ đã thực hiện, nghiên cứu đề xuất mô hình ứng dụng tái sử dụng rơm rạ sau vụ mùa; đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ người dân sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường, đảm bảo mục tiêu không còn tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.
Thành phố giao Sở TT&TT định hướng, quán triệt các cơ quan truyền thông sử dụng nguồn dữ liệu chính thống từ Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội để công bố thông tin chỉ số chất lượng quan trắc không khí hàng ngày; dữ liệu từ các tổ chức Pamair và Airvisual chỉ có tính chất tham khảo, chưa đủ cơ sở để công bố tới cộng đồng; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội được giao nhiệm vụ phối hợp với Sở TN&MT đưa tin chỉ số chất lượng không khí trên các bản tin vào khung giờ đầu giờ sáng, trưa, tối trong các ngày chất lượng không khí ở mức xấu có hại tới sức khỏe, để khuyến cáo người dân các biện pháp phòng ngừa tác động của ô nhiễm không khí.
Công an thành phố tăng cường phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen; phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng, trong đó tập trung các phương tiện sử dụng nhiên liệu dầu diesel; không đảm bảo che chắn gây ô nhiễm môi trường, cuốn đất đá trên đường.
Sở Xây dựng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng, công trình cải tạo sửa chữa, lát đá vỉa hè.
Sở Y tế phối hợp Sở TN&MT xây dựng kịch bản ứng phó, khuyến cáo người dân trong các ngày chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức rất xấu, nguy hại để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng. Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp MTTQ thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ sở tôn giáo, thờ tự hạn chế đốt hương, vàng mã, đặc biệt trong vác dịp lễ tết cuối năm và lễ hội đầu năm mới để giảm thiểu tác động tới môi trường không khí.
UBND các quận, huyện thị xã phải tập trung, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, hoàn thành các chỉ tiêu như loại bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố; từ 6/1/2021, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn đảm bảo việc thu gom triệt để rác thải, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, không để tồn đọng gây ô nhiễm môi trường; không để tái diễn việc sử dụng bếp than tổ ong, hạn chế đốt rơm rạ; tăng cường trồng cây xanh, trồng rừng…